Tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện chạy than còn bị “bỏ ngỏ”

Ngày 11/06/2015 03:45
Vụ việc phát tán tro, bụi xỉ làm ảnh hưởng đến môi trường tại nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) một lần nữa đặt ra yêu cầu cấp thiết tìm ra lời giải cho việc tận dụng hiệu quả các nguồn phế thải này.

Chưa có ảnh

Bãi tro xỉ của Nhiệt điện Duyên Hải 1 có diện tích 33 ha. Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện đốt than của Việt Nam là 36.000 MW; đến năm 2030, con số này sẽ tăng gấp đôi, khoảng 72.000 MW, tương đương tiêu thụ hơn 100 triệu tấn than, thải ra môi trường 30 triệu tấn tro xỉ mỗi năm.

Bất cập

Tính toán sơ bộ cho thấy, một nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 1.200 MW hằng ngày thải ra khoảng 4.000 tấn xỉ tro bay, trong đó 85% là tro bay.

Đây đều là những nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xi măng và vật liệu xây không nung (VLXKN). Tuy nhiên, trong các loại vật liệu xây dựng cơ bản như xi măng, gốm, sứ, kính… đang được sản xuất và tiêu thụ mạnh tại nước ta thì tỷ lệ sử dụng VLXKN còn rất khiêm tốn, thậm chí còn đứng sau một số nước trong khu vực như: Lào, Thái Lan và Malaysia.

Tuy là những nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp xi măng và VLXKN nhưng trong thực tế việc tận dụng các nguồn phế thải này chưa được quan tâm đúng mức và xử lý triệt để.

Phần lớn các nhà máy nhiệt điện chạy than đều đã xây dựng bãi chứa thải xỉ nhưng cũng chỉ đáp ứng cho nhu cầu vài năm sử dụng và các nguồn phế thải này phần lớn chỉ được chôn lấp là chủ yếu mà chưa được quan tâm tận dụng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp xi măng và VLXKN.

Những bất cập này còn tạo ra sức ép rất lớn trong vấn đề xử lý bụi tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện chạy than nhằm hạn chế phát tán, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh như trường hợp đáng tiếc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận vừa qua.

Cần giải pháp tận dụng hiệu quả bụi tro xỉ

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Ban quản lý dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 cho biết dự án Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng là những dự án  nhà máy nhiệt điện than đầu tiên ở miền Tây.

“Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là nguồn nhiên liệu than và xử lý tro, xỉ của nhà máy phát tán ra môi trường trong quá trình xây dựng, vận hành”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng mỗi năm, riêng Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 thải ra gần 1 triệu tấn tro, xỉ và bãi tro xỉ dành cho Nhiệt điện Duyên Hải 1 có diện tích 33 ha dự kiến sẽ bị lấp đầy sau 3 năm vận hành.

Được biết Tổng Công ty Phát điện 1 đã chỉ đạo Ban quản lý dự án và Công ty Nhiệt điện Duyên Hải tập trung xử lý triệt để tro xỉ tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 bằng cách phun nước tạo ẩm, lu, lèn tro xỉ, che bạt để hạn chế bụi phát tán. Xi lô tro xỉ của Nhà máy được đặt cạnh bãi xỉ nên khoảng cách vận chuyển tro xỉ ra bãi xỉ chỉ còn vài trăm mét.

Đồng thời Ban quản lý dự án cũng có báo cáo đánh giá tác động đến môi trường đảm bảo đạt chỉ tiêu theo các quy định hiện hành.

Trong dài hạn, Ban quản lý dự án và Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải sẽ phối hợp với các đối tác, các nhà khoa học và các ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương… tiến hành nghiên cứu, kiểm nghiệm xem các loại tro xỉ này có tác hại đến môi trường hay không để có thể tận dụng trong việc san lấp mặt bằng, sản xuất VLXKN.

Xét về khía cạnh quy hoạch, các nhà máy nhiệt điện nên đặt gần các nhà máy xi măng, nhà máy gạch không nung hoặc ngược lại để tận dụng được các sản phẩm của nhau.

Bên cạnh đó cũng cần phải quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình nhằm xử lý và tận dụng hiệu quả nguồn tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện chạy than.

Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn góp phần cụ thể hóa chương trình phát triển VLXKN, tiết kiệm tài nguyên, đồng thời từng bước thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung của người dân, bảo đảm môi trường phát triển bền vững.

>> Nguồn: Chinhphu.vn

Trong các năm qua, Viện Vật liệu xây dựng (VLXD) đã thực hiện từ rất sớm nhiều cuộc điều tra, đánh giá, công trình nghiên cứu khoa học về công nghệ tái chế, tái sử dụng các loại phế thải làm nguyên liệu cho sản xuất VLXD và nhiều công trình trong số đó đã được ứng dụng có hiệu quả trong thực tế sản xuất, trong đó có các nghiên cứu và ứng dụng tro xỉ nhiệt điện để sản xuất các loại VLXD như: Xi măng, bê tông thường, bê tông không có độ sụt, bê tông khối lớn, vật liệu gia cố đất,…

Đặc biệt gần đây, khi các nhà máy nhiệt điện đốt than tầng sôi CFBC tại Việt Nam được dự báo sẽ tạo ra lượng tro xỉ CFBC lên tới 9-10 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2015-2020 (theo số liệu thống kê và dự báo dựa trên Quy hoạch điện VI của quốc gia), Viện VLXD đã “Nghiên cứu đề xuất giải pháp xử dụng tro xỉ nhiệt điện đốt than tầng sôi tuần hoàn khử lưu huỳnh (CFBC) sản xuất VLXD”. Một trong số các kết quả của nghiên cứu này đã cho thấy: Tro xỉ CFBC có thể sử dụng làm phụ gia, nguyên liệu trong sản xuất xi măng, bê tông, gia cố đất… trong xây dựng. Các yêu cầu kỹ thuật đối với tro xỉ CFBC, biện pháp xử lý tro xỉ CFBC và công nghệ sản xuất VLXD sử dụng tro xỉ CFBC cũng đã được đưa ra qua nghiên cứu này.

Trung tâm Thông tin

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả