Ống PVC chịu áp – TCVN 8491 (ISO 1452)
Ống PVC được sử dụng phổ biến trong cấp và thoát nước tại Việt Nam, được chế tạo từ vật liệu poly(vinyl clorua) không hóa dẻo (PVC-U) thành đặc sẽ phải đảm bảo các yêu cầu quy định trong bộ tiêu chuẩn TCVN 8491 “Hệ thống ống bằng chất dẻo dùng cho hệ thống cấp nước, thoát nước và cống rãnh được đặt ngầm và nổi trên mặt đất trong điều kiện có áp suất- Poly(vinyl) clorua không hóa dẻo (PVC-U)”. Tiêu chuẩn này bao gồm 5 phần được xây dựng trên cơ sở tương đương với tiêu chuẩn quốc tế ISO 1452.
Yêu cầu về khả năng chịu áp suất của ống được quy định trong điều 8.2 của tiêu chuẩn TCVN 8491-2:2011, của phụ tùng được quy định trong điều 8.1 của tiêu chuẩn TCVN 8491-3:2011. Ống và phụ tùng phải chịu được ứng suất thủy tĩnh gây ra bởi áp suất thủy tĩnh bên trong mà không bị nổ hoặc rò rỉ khi thử nghiệm theo TCVN 6149-1 (ISO 1167-1). Các điều kiện thử nghiệm cụ thể được tóm tắt trong Bảng 1, 2 và 3.
Bảng 1: Yêu cầu thử áp đối với ống PVC-U (TCVN 8491-2:2011)
Bảng 2: Yêu cầu thử áp đối với đầu nong gắn liền ống PVC-U (TCVN 8491-2:2011)
Bảng 3: Yêu cầu thử áp đối với phụ tùng PVC-U (TCVN 8491-3:2011)
Ống PP – TCVN 10097 (ISO 15874)
Hình 4: Ống và phụ tùng PP
Ống PP là ống được làm từ vật liệu polypropylene được sử dụng phổ biến để dẫn nước nóng, nước lạnh trong các tòa nhà, các hệ thống gia nhiệt, chịu được áp suất và nhiệt độ phù hợp với từng loại ứng dụng.
Ống PP sẽ phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật được quy định trong bộ tiêu chuẩn TCVN 10097 “Hệ thống ống chất dẻo dùng để dẫn nước nóng và nước lạnh – Polypropylen (PP)”. Tiêu chuẩn này bao gồm 7 phần được xây dựng trên cơ sở tương đương với tiêu chuẩn quốc tế ISO 15874. Khả năng chịu áp suất của ống được quy định trong điều 7 của tiêu chuẩn TCVN 10097-2:2013, của phụ tùng được quy định trong điều 4 và điều 7 của tiêu chuẩn TCVN 10097-3:2013. Ống và phụ tùng phải chịu được ứng suất thủy tĩnh gây ra bởi áp suất thủy tĩnh bên trong mà không bị nổ hoặc rò rỉ khi thử nghiệm theo TCVN 6149-1 (ISO 1167-1) và TCVN 6149-2 (ISO 1167-2). Các điều kiện thử nghiệm cụ thể được tóm tắt trong Bảng 4 và 5.
Bảng 4: Yêu cầu thử áp đối với ống PP (TCVN 10097-2:2013)
Bảng 5: Yêu cầu thử áp đối với phụ tùng PP (TCVN 10097-3:2013)
Ống PE – TCVN 7305 (ISO 4427)
Hình 5: Ống và phụ tùng PE
Ống PE là ống được làm từ vật liệu polyetylen được sử dụng phổ biến trong cấp nước sinh hoạt. Ống PE được phân thành 4 loại là PE 100, PE 80, PE 63 và PE 40 dựa trên độ bền yêu cầu tối thiểu (MRS) của vật liệu PE để chế tạo ống.
Ống PE sẽ phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật được quy định trong bộ tiêu chuẩn TCVN 7305 “Hệ thống ống nhựa - Ống polyetylen (PE) và phụ tùng dùng để cấp nước”. Yêu cầu về khả năng chịu áp suất của ống được quy định trong điều 7.3 của tiêu chuẩn TCVN 7305-2:2008, của phụ tùng được quy định trong điều 7.3 của tiêu chuẩn TCVN 7305-3:2008. Ống và phụ tùng phải chịu được ứng suất thủy tĩnh gây ra bởi áp suất thủy tĩnh bên trong mà không bị nổ hoặc rò rỉ khi thử nghiệm theo TCVN 6149-1 (ISO 1167-1) và TCVN 6149-2 (ISO 1167-2). Các điều kiện thử nghiệm cụ thể được tóm tắt trong Bảng 6 và 7.
Bảng 6: Yêu cầu thử áp đối với ống PE (TCVN 7305-2:2008)
Bảng 7: Yêu cầu thử áp đối với phụ tùng PE (TCVN 7305-2:2008)
Ống nhựa gân xoắn HDPE – TCVN 9070
Hình 6: Ống và phụ tùng gân xoắn HDPE
Ống gân xoắn HDPE là ống được làm từ vật liệu polyetylen tỷ trọng cao (HDPE) được sử dụng trong hệ thống thoát nước đô thị và công nghiệp, hệ thống tưới tiêu, cống rãnh, hệ thống bảo vệ cáp ngầm bưu chính, điện lực,….
Yêu cầu về khả năng chịu áp suất và phương pháp thử của ống gân xoắn HDPE được quy định trong điều 5.6 của tiêu chuẩn TCVN 9070 “Ống nhựa gân xoắn HDPE”. Tiêu chuẩn quy định áp lực trong của ống (Pt) tính bằng MPa, là áp lực của ống được xác định theo công thức:
Pt = Pmax x 0,9
Trong đó: Pmax là áp lực lớn nhất khi ống vỡ, Mpa.
Phương pháp thử nghiệm xác định áp lực trong của ống cũng được xác định theo sơ đồ mô tả trong hình 7.
A – Máy bơm nước tăng áp; B – Hệ thống van khóa một chiều; C – Tấm bích thép;
D – Bộ cùm tăng đơ; E – đồng hồ đo áp lực; M – Mẫu thử
Hình 7: Sơ đồ xác định áp suất trong của ống gân xoắn HDPE
Như vậy, hệ thống yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử nghiệm đối với các đường ống làm bằng chất dẻo trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia là tương đối đầy đủ đối với các loại ống chất dẻo, đang được sử dụng phổ biến trong cấp và thoát nước tại Việt Nam. Bài viết này sẽ hỗ trợ các nhà thiết kế/ thi công xây dựng hệ thống đường ống chịu áp nắm được tổng quan các yêu cầu về khả năng chịu áp, lĩnh vực sử dụng của các loại ống khá đa dạng trên thị trường nhằm phòng tránh được những rủi ro về việc phá hủy hệ thống ống do dùng ống không đủ khả năng chịu áp suất theo quy định. Sử dụng ống đạt tiêu chuẩn, phù hợp với yêu cầu sử dụng sẽ làm giảm những sự cố gây tổn thất rất lớn khi thi công cũng như vận hành hệ thống./.
Hiện nay Viện Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng là một trong những đơn vị uy tín về kiểm định khả năng chịu áp của ống chất dẻo. Phòng thử nghiệm của Trung tâm Thiết bị, Môi trường & An toàn Lao động thuộc phòng thí nghiệm VILAS 003 có thể thử nghiệm khả năng chịu áp các loại đường ống chất dẻo tại mọi cấp áp suất danh nghĩa từ PN0 tới PN25, hơn nữa có thể thử nghiệm đường ống có đường kính danh nghĩa lên tới DN 1000./.
>> Xem lại Phần 1
Trung tâm Thông tin