Cần xây dựng tiêu chí cho các doanh nghiệp tham gia xử lý phát thải

Ngày 08/10/2015 04:20
Thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Viện VLXD (VIBM) đang xây dựng chương trình tổng thể xử lý tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất. Trong đó, nội dung cốt lõi nhất là chuyển giao công nghệ xử lý các phát thải.

Chưa có ảnh

VIBM đề xuất Bộ Xây dựng xây dựng tiêu chí cho các doanh nghiệp tham gia xử lý phát thải

Hoàn thiện và chuyển giao công nghệ

“Chương trình được xây dựng trên cơ sở quan điểm, bằng nhiều phương án khác nhau phải giải quyết được số lượng lớn phát thải, theo đúng tinh thần của Quyết định 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp xử lý tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất. Do đó, những loại VLXD chỉ sử dụng một hàm lượng nhỏ tro xỉ để nâng cao tính chất của vật liệu, sẽ không nằm trong phạm vi chương trình này”, ông Lương Đức Long, Viện trưởng VIBM cho biết.

Theo đánh giá sơ bộ ban đầu của các chuyên gia VIBM, số lượng phát thải được xử lý không đáng kể so với số lượng phát thải, đặc biệt là đối với bã thải của các nhà máy phân bón hoá chất.

Trên cơ sở đặc điểm kỹ thuật của những chất phát thải (thành phần hoá học, thành phần khoáng vật học, trạng thái vật lý, độ ẩm và tính độc hại), các chuyên gia của VIBM sẽ đưa ra đề xuất phương án xử lý và tái sử dụng.

VIBM cũng sẽ thực hiện điều tra công nghệ, thiết bị xử lý tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất, đang hoạt động hiện nay.

Đối với vấn đề nghiên cứu sử dụng phế thải của nhà máy nhiệt điện và phân bón hoá chất làm vật liệu xây dựng, VIBM cũng như ngành xây dựng nói chung đã có nhiều nghiên cứu khả thi, đến nay chỉ việc đưa vào thực tiễn sản xuất. Tuy nhiên, trong chương trình lần này, VIBM đề xuất 2 nghiên cứu mới có khả năng có thể tiêu thụ được lượng lớn phát thảicủa các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hoá chất. Đó là nghiên cứu sử dụng tro xỉ, tro bay của nhà máy nhiệt điện chế tạo vật liệu tự chảy để toàn khối hoá kết cấu bê tông với nền đất và nghiên cứu sử dụng phế thải của nhà máy phân bón hoá chất và tro bay của nhà máy nhiệt điện làm vật liệu gia cố nền đất yếu.

Đặc biệt trong chương trình lần này, VIBM sẽ hoàn thiện và chuyển giao công nghệ sử dụng tro xỉ nhiệt điện, thạch cao tái chế để sản xuất VLXD. Dự kiến sẽ có 8 dây chuyền công nghệ được chuyển giao và trình diễn.Trong đó, dây chuyền làm phụ gia khoáng sản xuất xi măng đã được nghiên cứu nhiều, nay đưa vào sản xuất cho xi măng PBC, xi măng ít toả nhiệt, xi măng hỗn hợp bền sulfat. VIBM sẽ đưa ra phương án sản xuất cụ thể như đưa tro bay vào công đoạn sản xuất nào của dây chuyền và sẽ có dự án làm mẫu, có tài liệu mô tả làm cơ sở tổ chức tập huấn khi đưa ra sản xuất rộng rãi.

Ngoài ra, VIBM còn đưa ra các dây chuyền sử dụng tro xỉ, thạch cao khác như dùng để thay thế đất sét sản xuất clinker xi măng, dùng để thay thế đất sét sản xuất gạch nung, dùng để sản xuất gạch không nung (chuẩn hoá lên thành mẫu), dùng để làm đường giao thông (sử dụng tro bay để làm lớp đế đường giao thông), sử dụng làm vật liệu san lấp, sử dụng làm vật liệu gia cố nền đất yếu và sử dụng làm bê tông (nghiên cứu mới).

Đối với việc dùng để thay thế đất sét sản xuất clinker xi măng, VIBM đã có đề tài nghiên cứu, sẽ hoàn thiện công nghệ và thực hiện chuyển giao mẫu cho một nhà máy sản xuất xi măng. Còn đối với việc dùng để thay thế đất sét sản xuất gạch nung, VIBM cho rằng có thể thay thế đến 50-60% đất sét.

Đề xuất xây dựng tiêu chí cho doanh nghiệp xử lý

Đối với vấn đề xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật, trong Chương trình, VIBM dự kiến xây dựng 4 tiêu chuẩn quy chuẩn như: Tiêu chuẩn thạch cao tái chế làm phụ gia cho xi măng; tiêu chuẩn thạch cao tái chế làm nguyên liệu sản xuất các tấm thạch cao xây dựng;hướng dẫn xử lý và sử dụng tro xỉ của nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lấp;hướng dẫn xử lý và sử dụng phốt pho gif của nhà máy hoá chất phân bón làm vật liệu san lấp.

Chương trình của VIBM cũng sẽ quan tâm đến vấn đề môi trường trước và sau khi xử lý phế thải. Theo đó, VIBM sẽ đưa ra 4 đánh giá tác động về hiện trạng môi trường của các bãi thải, tác động môi trường của các công nghệ tái chế, tác động môi trường khi sử dụng vật liệu tái chế làm VLXD và tác động môi trường của việc sử dụng VLXD có chứa vật liệu tái chế.

Trên cơ sở những nghiên cứu, đánh giá và đưa ra các giải pháp mang tính tổng thể, để đảm bảo thực hiện tốt những quy định tại Quyết định 1696 cũng như đảm bảo xử lý được nhiều, tốt nhất phát thải của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất, VIBM đề xuất Bộ Xây dựng xây dựng tiêu chí cụ thể cho các doanh nghiệptham gia xử lý phát thải của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất. Bởi đây là loại chất thải đặc biệt, nếu không được sử dụng và xử lý đúng sẽ gây ra các tác động khác đến sức khoẻ con người và môi trường xung quanh.

Đề án của VIBM cũng sẽ đưa ra những chương trình đào tạo và tập huấn cụ thể để nhân rộng những mô hình đã thử nghiệm thực tế hiệu quả.

Với sự ra quân quyết liệt của các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng cũng như VIBM, hy vọng phát thải của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất sẽ được xử lý một cách tối ưu và tối đa nhất theo đúng tinh thần của Quyết định 1696 cũng như thể hiện trách nhiệm xã hội của ngành xây dựng.

Theo Thanh Nga/Báo Xây dựng

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả