Tình hình sản xuất và sử dụng Vật liệu xây không nung tại một số địa phương

Ngày 15/05/2015 11:01
Theo thống kê của Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, sau bốn năm thực hiện Chương trình theo Quyết định số 567/QÐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN), tổng công suất thiết kế vào ba loại sản phẩm chính, gồm: gạch xi-măng cốt liệu, gạch bê-tông khí chưng áp (AAC) và gạch bê-tông bọt đạt 6 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC), trong đó có 13 nhà máy sản xuất AAC, 17 nhà máy sản xuất bê-tông bọt, hơn 1.000 dây chuyền sản xuất gạch xi-măng cốt liệu công suất hơn 10 triệu viên QTC/năm và một số chủng loại VLXKN khác.

Chưa có ảnh

Để có được kết quả đó, trong thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất và thực hiện các dự án VLXKN.

Ví dụ, trên địa bàn huyện Tây Sơn – Bình Định đã có 191 lò gạch, ngói nung thủ công tháo dỡ, chấm dứt hoạt động (gồm 190 lò có công suất dưới 650 ngàn viên/năm; 1 lò có công suất trên 650 ngàn viên/năm); trong đó có 147 lò nằm trong khu dân cư, 44 lò nằm trong khu sản xuất tập trung và trong cụm công nghiệp… Tính đến thời điểm hiện tại, ở Bình Định đã có 16 dự án sản xuất gạch không nung với tổng công suất hơn 250 triệu viên/năm, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 50 tỉ đồng. Trong số này đã có 3 nhà máy đi vào hoạt động, 12 dự án đang giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng… Theo kế hoạch, đến hết ngày 31/12/2016 sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các lò nung thủ công trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Tại Quảng Ninh, một số công trình nhà chung cư cũng đang được doanh nghiệp sử dụng khoảng 30% là vật liệu gạch không nung. Tòa nhà thương mại cao 18 tầng do Công ty LICOGI 18.1 (Bộ Xây dựng) thiết kế và thi công ở Thành phố Hạ Long, theo các kỹ sư, từ tầng thứ 3 trở lên, đơn vị đã sử dụng toàn bộ vật liệu ngăn tường bằng gạch không nung. Nhiều hộ dân ở huyện Đông Triều – Quảng Ninh cũng đang có xu hướng xây nhà có sử dụng gạch không nung.

Gạch không nung hiện nay đã hiện hữu trên rất nhiều công trình trọng điểm, điển hình như Keangnam Hà Nội, Landmard Tower, Habico Tower, Khách sạn Horison, Hà Nội Hotel Plaza, sân vận động Mỹ Đình, làng Việt kiều Châu Âu,…

Trước đó, các văn bản của Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng quy định rõ, các công trình xây dựng từ nguồn vốn ngân sách đều phải sử dụng gạch không nung. Khu đô thị loại 3, các công trình cao 9 tầng trở lên đều được khuyến cáo sử dụng ít nhất 30% gạch không nung.

Với kết cấu nhẹ, chống thấm tốt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hiện trạng không có nguồn nguyên liệu đất sét để sản xuất gạch nung như hiện nay thì gạch không nung có những ưu điểm không hề nhỏ so với gạch nung truyền thống.

Trung tâm Thông tin (Tổng hợp)

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả