Thí điểm sử dụng chất thải rắn sinh hoạt làm nhiên liệu sản xuất xi măng

Ngày 08/05/2015 05:30
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm Dự án áp dụng "Công nghệ sử dụng chất thải rắn sinh hoạt làm nhiên liệu thay thế cho nhà máy xi măng ở Việt Nam".

Chưa có ảnh

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng lựa chọn địa điểm phù hợp, thống nhất với các địa phương liên quan và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định, bảo đảm hiệu quả.

Đối với Dự án thí điểm tại Công ty Vicem Bút Sơn tại Phủ Lý, Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng thống nhất với các địa phương liên quan và chỉ đạo chủ đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện dự án theo quy định. Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng dự án để xây dựng cơ chế áp dụng đối với các dự án khác tương tự.

Được biết, sản xuất xi măng là một ngành công nghiệp tiêu hao khá nhiều chất đốt phục vụ cho quá trình nung luyện clinker. Từ khi ra đời đến nay nguồn nhiên liệu truyền thống là than được sử dụng là chủ yếu. Hiện nay ở các nước công nghiệp phát triển việc sử dụng rác thải trong cuộc sống và sản xuất công nghiệp để tạo ra nguồn năng lượng mới, bổ sung và thay thế nguồn năng lượng truyền thống là khá phổ biến.

Qua khảo sát cho thấy, mỗi ngày ở Việt Nam sản sinh ra một lượng rác thải khổng lồ gây ô nhiễm tới đời sống sinh hoạt của cộng đồng xã hội. Việc xử lý tiêu hủy lượng rác thải đó để đảm bảo vệ sinh môi trường là nhiệm vụ cấp thiết đối với toàn xã hội. Tuy nhiên qua nghiên cứu cho thấy bên trong nguồn rác thải đó tiềm tàng khả năng cung cấp nhiệt làm nhiên liệu thay thế, dạng vật chất của tro sau khi đốt phù hợp với nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất xi măng. Ngoài ra góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Đối với ngành công nghiệp sản xuất xi măng, việc tận dụng nguồn nhiên liệu sản xuất từ rác thải đó sẽ góp một phần đáng kể vào việc thay thế một phần nhiên liệu truyền thống trong sản xuất xi măng, giải quyết vấn đề bức xúc hiện nay về nhiên liệu cho các nhà máy xi măng từ đó tiết kiệm được chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm và tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường.

Theo Chinhphu.vn

Theo số liệu điều tra đánh giá tiềm năng một số loại nhiên liệu thay thế cho sản xuất xi măng ở Việt Nam của Viện VLXD, kết quả cho thấy:

+ Đối với rác thải sinh hoạt: Lượng phát sinh ước tính đạt khoảng 43.361 tấn/ngày, chiếm khoảng 71% lượng CTR nói chung phát sinh trên toàn quốc (61.000 tấn/ngày) và cho tiềm năng nhiệt lượng khoảng 164.772 GJ/ngày.

+ Đối với rác thải ngành da giày: Lượng phát sinh ước tính đạt khoảng 192,14 tấn/tháng và cho tiềm năng nhiệt lượng khoảng 5.572 GJ/tháng.

+ Đối với rác thải ngành dệt may: Lượng phát sinh ước tính đạt khoảng 1.210 tấn/tháng và cho tiềm năng nhiệt lượng khoảng 32.666 GJ/tháng.

+ Đối với phế phẩm nông nghiệp: Lượng phát sinh vỏ trấu ước tính tiềm năng đạt khoảng 8.732 nghìn tấn/năm và cho nhiệt lượng khoảng 130.985.400 GJ/năm. Lượng phát sinh rơm rạ cũng ước tính tiềm năng đạt khoảng 63.877 nghìn tấn/năm và cho nhiệt lượng khoảng 415.201.000 GJ/năm.

Lượng phát sinh vỏ hạt điều chủ yếu tập trung ở các nhà máy, cơ sở chế biến hạt điều, chủ yếu đóng trên địa bàn các tỉnh như TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đăk lắc, Long An, Bà rịa – Vũng Tàu, Phú yên,… với sản lượng lên tới 600.000 tấn vỏ điều/năm, cung ứng tiềm năng nhiệt lượng khoảng 12.000.000 GJ/năm.

+ Đối với cao su phế thải: Chủ yếu là lượng lốp xe phế liệu chiếm tới 68%. Hiện tại, phát sinh lốp xe phế liệu trên địa bàn cả nước ước tính đạt khoảng 216.176 tấn/năm và cho tiềm năng nhiệt lượng khoảng 6.485.278 GJ/năm.

+ Đối với dầu nhờn thải: Năm 2012, cả nước ước tính tiêu thụ hết 310.000 tấn dầu nhớt. Trong đó, dầu nhớt cho động cơ chiếm khoảng 70%, sau đó là nhóm dầu nhớt công nghiệp chiếm khoảng 20% và dầu nhớt cho ngành hàng hải chiếm khoảng 10%. Dầu nhờn thải lớn nhất hiện nay chủ yếu là từ các phương tiện giao thông cơ giới, bao gồm xe máy, ô tô các loại, các loại tàu sông và tàu đánh bắt xa bờ; có lượng dầu thải ước tính đạt khoảng 210.512 tấn/ năm và cho tiềm năng nhiệt lượng khoảng 7.157.408 GJ/năm. Ngoài ra, dầu thải của ngành hàng hải ước tính đạt khoảng 31.000 tấn/năm, sẽ cho tiềm năng nhiệt lượng khoảng 1.054.000 GJ/năm và ngành đường sắt ước tính đạt khoảng 755 tấn/năm, cũng sẽ cho tiềm năng nhiệt lượng khoảng 25.670 GJ/năm.

Viện VLXD

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả