VIBM: Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024

Ngày 10/01/2024 05:33
Ngày 09/01/2024, Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 tại trụ sở chính 235 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Chưa có ảnh

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Xây dựng có ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (KHCN&MT); ông Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính; ông Hoàng Hữu Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (VLXD); ông Nguyễn Quang Hiệp – Phó Vụ trưởng Vụ VLXD; về phía các Hội và Hiệp Hội có ông Lê Quang Hùng – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam (VCA); ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA); ông Võ Quang Diệm – Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam (RSV); ông Tống Văn Nga – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam (VABM); ông Thái Duy Sâm – Nguyên Viện trưởng VIBM, Phó Chủ tịch VABM; ông Lương Đức Long – Nguyên Viện trưởng VIBM, Phó Chủ tịch VNCA; ông Trần Văn Cần – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam; về phía VIBM có Ban Lãnh đạo, toàn thể các Cán bộ Viên chức (CBVC) và công ty HIMAT.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Viện trưởng Lê Trung Thành nhận định năm 2023 là bước nhảy vọt phát triển của VIBM, 02 hoạt động chính của VIBM là Nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) và Dịch vụ KHCN, về chất lượng và số lượng đều đạt hiệu quả cao. Kết quả của năm nay là sự nỗ lực không ngừng của CBCNV suốt những năm qua và tạo tiền đề cho sự phát triển của VIBM trong tương lai.

Tại Hội nghị, ông Trịnh Minh Đạt – Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật đã báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2023 và kế hoạch công tác năm 2024 cụ thể như sau:

Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Bộ Xây dựng, sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng và sự đoàn kết, nỗ lực của toàn thể viên chức và người lao động (VC&NLĐ), VIBM đã vượt qua nhiều khó khăn trong năm 2023 để hoàn thành xuất sắc kế hoạch thực hiện các công việc đã đề ra và tuân thủ đầy đủ các nội dung được Bộ Xây dựng giao thực hiện trong Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ tại Quyết định số 42/QĐ-BXD ngày 19/01/2023.

Năm 2023 tiếp tục là năm thứ 9, VIBM hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công, hiện nay đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính Phủ. Năm 2023, khối lượng công việc của VIBM bao gồm hai nhóm chủ yếu là hoạt động nghiên cứu KHCN phục vụ quản lý Nhà nước và hoạt động dịch vụ KHCN đã có bước tăng trưởng,  đảm bảo thu nhập cho toàn bộ VC&NLĐ.

Hoạt động nghiên cứu KHCN của VIBM có tổng số 65 nhiệm vụ KHCN bao gồm 03 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 22 nhiệm vụ RD/SNKT/SNMT, 18 dự án xây dựng tiêu chuẩn TCVN và 22 nhiệm vụ KHCN vốn doanh nghiệp.

VIBM đã tích cực tham gia vào công tác nghiên cứu phục vụ quản lý Nhà nước, kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hoá VLXD của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và sản phẩm VLXD nhập khẩu, đáp ứng được yêu cầu của Bộ và góp phần quan trọng vào quản lý ngành ở cấp Trung ương và các địa phương.

Năm 2023, kinh phí hoạt động nghiên cứu KHCN của VIBM từ Ngân sách Nhà nước và vốn doanh nghiệp được duy trì ổn định ở mức cao. Điều đó khẳng định uy tín của VIBM trong công tác nghiên cứu KHCN phát triển ngành xây dựng. Các nhiệm vụ KHCN được thực hiện đúng tiến độ của Hợp đồng, đặc biệt có một số nhiệm vụ thực hiện vượt tiến độ và một số nhiệm vụ được nghiệm thu cấp Bộ đạt loại “Xuất sắc”. Điều đó thể hiện sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của VIBM trong năm qua.

Chất lượng các đề tài, dự án được đánh giá cao. Hầu hết các đề tài, dự án được ứng dụng trong thực tế sản xuất, phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Công tác kiểm tra tiến độ công việc được thực hiện thường xuyên. Sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý và các đơn vị chuyên môn ngày càng tốt hơn. Công tác kiểm soát chất lượng hàng hoá VLXD: giúp cơ quan quản lý Nhà nước, quản lý chất lượng sản phẩm VLXD của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và sản phẩm VLXD nhập khẩu.

Hoạt động dịch vụ KHCN đã góp phần quan trọng vào việc cung cấp thông tin cho công tác quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng để kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD lưu thông trên thị trường, cũng như kiểm soát chất lượng VLXD sử dụng cho các công trình lớn, có ý nghĩa chính trị quốc gia. Hầu hết các thí nghiệm đánh giá chất lượng các sản phẩm vật liệu mới, vật liệu đặc thù sử dụng trong công trình xây dựng đều do VIBM thực hiện. Năm 2023, VIBM tiếp tục triển khai và ký mới các hợp đồng thí nghiệm VLXD phục vụ thi công dự án quy mô lớn và quan trọng quốc gia. Doanh thu từ hoạt động dịch vụ KHCN bằng 173% so với năm 2022 và tăng 40% so với mục tiêu đã đề ra đầu năm 2023. Hoạt động dịch vụ KHCN là hoạt động quan trọng, trực tiếp nâng cao thu nhập cho VC&NLĐ của VIBM và tạo điều kiện để có tích lũy, phát triển VIBM. Doanh thu và lợi nhuận từ dịch vụ KHCN hàng năm giúp VIBM đảm bảo mức độ tự chủ chi thường xuyên.

Trong năm 2023, VIBM đã tiếp và làm việc với hơn 30 đoàn khách quốc tế nhằm tìm hiểu, ký kết và triển khai các chương trình hợp tác cụ thể. VIBM đã tổ chức 03 đoàn ra: đoàn tham dự Hội nghị lần thứ 8 của Nhóm công tác về VLXD (BCWG) thuộc Ủy ban tư vấn về tiêu chuẩn và chất lượng ASEAN (ACCSQ); đoàn công tác tại Trung Quốc làm việc với các đơn vị nghiên cứu và sản xuất VLXD của Trung Quốc; Hội nghị thường niên của Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Đông Nam Á tại Thái Lan.

Đảng bộ VIBM đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 2023. Kết thúc năm, Đảng ủy VIBM đã bám sát văn bản hướng dẫn, triển khai đánh giá cán bộ, đảng viên và thực hiện công tác tổng kết hoạt động năm 2023 theo quy định.

Công tác Công đoàn và Đoàn TN cũng phối hợp tổ chức thành công các hoạt động gắn với từng sự kiện và thời gian theo kế hoạch.

Để xây dựng VIBM trở thành trung tâm khoa học đầu ngành của cả nước, có năng lực nghiên cứu ở trình độ cao với đội ngũ cán bộ khoa học giỏi, các phòng thí nghiệm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đưa ngành VLXD hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Đảng ủy và Lãnh đạo VIBM cùng toàn thể VC&NLĐ quyết tâm thực hiện Kế hoạch 2024 với các nhiệm vụ trọng tâm và cụ thể như sau:

- Công tác nghiên cứu KHCN của VIBM tập trung vào các lĩnh vực: thực hiện các đề án Chiến lược phát triển VLXD giai đoạn 2021-2030 cho các địa phương; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực VLXD và cơ khí xây dựng; nghiên cứu phát triển vật liệu mới, vật liệu tiết kiệm năng lượng, nghiên cứu tái chế, tái sử dụng phế thải làm nguyên liệu và nhiên liệu thay thế trong sản xuất VLXD; nghiên cứu KHCN để phát triển bền vững, nâng cao năng suất chất lượng, giảm tiêu hao năng lượng và giảm phát thải, bảo vệ môi trường trong ngành công nghiệp sản xuất VLXD; nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành VLXD; VLXD cho biển đảo...

- Công tác nghiên cứu phục vụ quản lý Nhà nước: Xây dựng Đề án chiến lược phát triển VLXD cho các địa phương; Thực hiện công tác dự báo thị trường và dự báo phát triển KHCN ngành VLXD; Thực hiện các dự án điều tra, đánh giá, đề xuất các cơ chế chính sách phát triển ngành VLXD bền vững; Xây dựng hệ thống thông tin KHCN, cơ sở dữ liệu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành VLXD phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển ngành; Thực hiện công tác thí nghiệm kiểm tra, đánh giá chất lượng các loại vật liệu lưu thông trên thị trường, kiểm soát chất lượng VLXD sử dụng cho các công trình trọng điểm có ý nghĩa chính trị quốc gia, báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước; Thực hiện các nhiệm vụ đặt hàng Bộ Xây dựng giao năm 2024.

- VIBM phấn đấu đạt doanh thu từ hoạt động dịch vụ KHCN là 105 tỷ đồng (tăng trưởng tối thiểu 5% so với trung bình doanh thu của 5 năm).

- Tiếp tục thực hiện công tác đầu tư tăng cường năng lực trang thiết bị thí nghiệm; duy tu, bảo trì, sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục công trình trong VIBM nhằm tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc cho VC&NLĐ trong VIBM.

- Mỗi VC&NLĐ của VIBM sẽ tự xây dựng và đăng ký kế hoạch học tập, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của từng vị trí công việc. VIBM sẽ tập hợp, xem xét để tổ chức hoặc gửi đi đào tạo các khóa học phù hợp. Đồng thời, căn cứ chiến lược phát triển lâu dài, VIBM sẽ cử một số VC&NLĐ đủ năng lực, điều kiện đào tạo tiến sĩ chuyên ngành. Tiếp tục xúc tiến, triển khai chương trình “Học bổng VIBM” sử dụng kinh phí từ nguồn vốn tự có của VIBM để cử các CBVC đi đào tạo chuyên sâu, thực tiễn tại các cơ sở sản xuất VLXD trong nước và các tổ chức nghiên cứu KHCN tiên tiến trên thế giới.

- Tăng số lượng xuất bản Tạp chí tiếng Anh của VIBM lên 3 số/năm hướng tới gia nhặp cơ sở dữ liệu khu vực (ACI) và quốc tế (ISI).

Trong phần Tham luận của Hội nghị, trưởng các đơn vị khối nghiệp vụ chuyên môn cảm ơn lãnh đạo VIBM đã chỉ đạo kịp thời và luôn động viên cổ vũ tinh thần làm việc của VC&NLĐ để các đơn vị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, các đơn vị cũng đưa ra dự báo thị trường từ đó đề ra xu hướng phát triển trong năm tới, đề xuất những giải pháp và hỗ trợ từ phía VIBM để tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại và đạt được mục tiêu đã đề ra.

Sau khi lắng nghe phần báo cáo và tham luận của VIBM, các Hội và Hiệp hội đều chúc mừng những thành quả VIBM đạt được năm 2023 dù tình hình nền kinh tế trong nước vẫn còn bất ổn.Trong năm tới, VIBM sẽ tiếp tục phát huy và đạt được doanh thu cao hơn nữa. Đồng thời, các Hội và Hiệp Hội sẽ tiếp tục cùng VIBM hợp tác để đưa các kết quả nghiên cứu KHCN đến gần hơn với các doanh nghiệp và người dân; cùng phối hợp để kịp thời phản ảnh với Bộ những khó khăn về thị trường tạo tiền đề cho các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực VLXD.

Ngoài ra, về phía Bộ Xây dựng, ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ KHCN&MT đánh giá cao những nỗ lực và thành công của VIBM trong năm 2023, khẳng định VIBM đã và đang làm tốt vai trò phục vụ quản lý Nhà nước, là cầu nối giữa Bộ và các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời cũng đưa ra một số góp ý trong năm tới, VIBM nên tiếp tục đề xuất với Bộ những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tạo ra sản phẩm phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về VLXD của Bộ và các đề tài có tính ứng dụng cao trong thực tế. VIBM cũng cần tiếp tục nâng cao năng lực của VIBM cả về cơ sở vật chất lẫn nhân lực làm cơ sở và nền tảng để phát triển VIBM.

Bế mạc Hội nghị, PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng VIBM đã cảm ơn những ý kiến đóng góp của các vị khách mời, đồng thời đề nghị Tập thể VC&NLĐ VIBM tiếp tục duy trì sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch công tác năm 2024 góp phần phát triển VIBM ngày càng vững mạnh.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:


Viện trưởng Lê Trung Thành phát biểu tại Hội nghị


Toàn cảnh Hội nghị



Nguyên Viện trưởng Thái Duy Sâm và Nguyên Viện trưởng Lương Đức Long phát biểu tại Hội nghị


Ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ KHCN&MT phát biểu tại Hội nghị


Ông Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ VLXD phát biểu tại Hội nghị


Ông Hoàng Hữu Tân - Phó Vụ trưởng Vụ VLXD phát biểu tại Hội nghị


Ông Tống Văn Nga – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam phát biểu tại Hội nghị


Ông Trần Văn Cần – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Tin/Ảnh: Hà Trang - Thu Hằng

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả