VIBM: Họp nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu chế tạo chế phẩm hấp thụ VOC trong các nhà máy sử dụng sơn”

Ngày 25/05/2023 09:37
Ngày 25/05/2023, Hội đồng khoa học Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) đã họp đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chế tạo chế phẩm hấp thụ VOC trong các nhà máy sử dụng sơn” do KS. Lê Cao Chiến - Trung tâm Thiết bị, Môi trường và An toàn lao động (TBMT&ATLĐ) - VIBM chủ trì thực hiện. PGS.TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng VIBM - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.

Chưa có ảnh

Toàn cảnh buổi họp nghiệm thu

Thành phần tham dự gồm có: TS. Phùng Mai Phương - Thư ký khoa học; ông Nguyễn Văn Huynh – Phó Chủ tịch Hội đồng; TS. Phạm Gia Vũ - Viện Kỹ thuật Nhiệt đới – Viện Hàn lâm KHCNVN; TS. Đinh Quang Hưng - Viện Khoa học và CN Môi trường – Đại học Bách khoa HN; PGS.TS. Tạ Hồng Đức - Bộ môn Máy và Thiết bị công nghiệp Hóa chất – Đại học Bách khoa HN; TS. Trịnh Thị Hằng - Phó Giám đốc TT. Vật liệu hữu cơ & HPXD – Viện VLXD; đại diện Công ty CP TOMECO An Khang và Khách mời là ThS. Nguyễn Thị Tâm – Giám đốc Trung tâm TBMT&ATLĐ.

Thuyết trình tại buổi nghiệm thu Dự án, ThS. Lê Cao Chiến cho biết: Mục đích của dự án là tìm hiểu công nghệ xử lý VOC mới, chế tạo được chế phẩm hấp thụ VOC với chi phí và giá thành rẻ hơn thay thế công nghệ xử lý khí truyền thống sử dụng than hoạt tính làm vật liệu hấp phụ. Đồng thời làm chủ việc thiết kế hệ thống thiết bị xử lý và làm chủ công nghệ chế tạo vật liệu mới ứng dụng trong xử lý môi trường công nghiệp tại Việt Nam, góp phần giúp cho tăng năng suất lao động của công nhân sơn và giảm chi phí xử lý khí thải cho nhà máy có dây chuyền phun sơn công nghiệp.

Nghiên cứu trên cơ sở sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn trên thị trường để chế tạo chế phẩm là các nguyên liệu, được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, nhằm giảm chi phí nhập nguyên liệu đặc thù để sản xuất chế phẩm xử lý, giúp giá thành sản phẩm nghiên cứu cạnh tranh tốt hơn so với công nghệ xử lý VOC khác. Mục tiêu của đề tài là xây dựng được quy trình, chế tạo ứng dụng vật liệu hấp thụ VOC trong các nhà máy sử dụng sơn.



Nhà máy sản xuất quạt công nghiệp ứng dụng công nghệ của đề tài

Nhóm tác giả đề tài đã thực hiện thành công các nội dung khoa học cụ thể như sau:

- Nghiên cứu cấp phối chế tạo chế phẩm hấp thụ VOC và xử lý mùi đạt các yêu cầu đề ra và các tính chất tương đương với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Cấp phối phù hợp đã được nghiên cứu: Tỷ lệ dầu parafin clo hóa:nước = 10:90; Sử dụng 2% khối lượng hệ hỗn hợp chất nhũ hóa có thành phần Tween80/Span80 = 90:10. Các nguồn nguyên liệu dễ tìm kiếm trong nước do đó thuận lợi cho quá trình sản xuất qui mô lớn.

- Nghiên cứu điều kiện công nghệ phù hợp để chế tạo chế phẩm hấp thụ VOC: Sử dụng máy khuấy tốc độ cao với cánh khuấy dạng đĩa phân tán; Tốc độ khuấy phân tán phù hợp là 1700 vòng/phút, thời gian khuấy đồng nhất sản phẩm là 3 giờ.

- Nhóm nghiên cứu đã nộp đơn đăng ký sáng chế cho qui trình sản xuất chế phẩm hấp thụ VOC và kiểm soát mùi với cục sở hữu trí tuệ - nội dung đơn đăng ký được đưa ra trong phụ lục của báo cáo đề tài.

- Đã lên 02 phương án công nghệ và thiết kế buồng sơn kết hợp hệ thống xử lý khí thải được lắp hợp khối với nhau trên cơ sở nghiên cứu các yêu cầu về an toàn trong tiêu chuẩn Châu Âu - EN 16985:2018 Spray booths for organic coating material. Safety requirements. Thiết kế của đề tài đã được áp dụng tại xưởng sơn của CP cơ điện TOMECO với công suất thiết kế là 8,000-10,000112m3/giờ; Thiết kế công suất từ 20,000-25,000 m3/giờ có thể được áp dụng khi công ty xây dựng nhà máy mới sắp tới.

- Đã sản xuất và ứng dụng thử nghiệm 2.000 lit sản phẩm trên hệ thống sản xuất qui mô pilot do đề tài nghiên cứu thiết kế và đã được chế tạo lắp đặt tại xưởng Sơn của nhà máy, sản phẩm đã đạt được các chỉ tiêu đăng ký và tính chất khá tương đồng so với sản phẩm nhập ngoại. Hiệu quả xử lý mùi đạt trên 80%.

- Đã tiến hành tính toán sơ bộ giá thành, đánh giá hiệu quả kinh tế của sản phẩm nghiên cứu với sản phẩm nhập ngoại và than hoạt tính cho thấy: sản phẩm nghiên cứu của đề tài hoàn toàn có khả năng cạnh tranh về giá chỉ bằng 24% so với sản phẩm thương mại có mặt trên thị trường. Chi phí hấp thụ VOC và xử lý mùi bằng chế phẩm nghiên cứu của đề tài là rẻ hơn đáng kể so với việc sử dụng than hoạt tính để hấp phụ.

Sau khi Chủ nhiệm Dự án trình bày nội dung báo cáo, Hội đồng KHCN đưa ra các ý kiến, nhận xét và đánh giá cao kết quả đạt được của nhóm đề tài, nhất trí thông qua dự thảo báo cáo tổng kết, thống nhất nghiệm thu và yêu cầu nhóm đề tài tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo góp ý của Hội đồng để trình Bộ Xây dựng nghiệm thu theo quy định.

Thu Hằng

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả