Nghiệm thu 02 Dự thảo tiêu chuẩn TCVN …: 2014: “Chất tạo bọt cho bê tông bọt – Yêu cầu kỹ thuật” và “Chất tạo bọt cho bê tông bọt – Phương pháp thử”

Ngày 17/03/2014 12:00
Chiều ngày 14/3/2014, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu 02 Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN …: 2014 “Chất tạo bọt cho bê tông bọt – Yêu cầu kỹ thuật” (Standard specification for foaming agents used in making preformed foam for celllar concrete) và “Chất tạo bọt cho bê tông bọt – Phương pháp thử” (Standard test method for foaming agents for use in producing cellular concrete using preformed foam) do Trung tâm Vật liệu hữu cơ và Hóa phẩm xây dựng – Viện Vật liệu xây dựng thực hiện. Th.S Trần Đình Thái – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.

Chưa có ảnh

Trình bày sự cần thiết cũng như các căn cứ để xây dựng Dự thảo tiêu chuẩn, KS. Vũ Ngọc Quí – Chủ nhiệm dự án Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN …: 2014 “Chất tạo bọt cho bê tông bọt – Yêu cầu kỹ thuật” cho biết: Trong một vài năm gần đây, lĩnh vực vật liệu nhẹ không nung đã có những bước phát triển mạnh mẽ và một trong những loại vật liệu không nung phổ biến là bê tông bọt. Bê tông bọt được sản xuất từ các nguyên liệu như xi măng, cát, xỉ lò cao cùng với chất tạo bọt khí, trong đó chất tạo bọt chính là yếu tố quyết định đến các tính chất của bê tông bọt như giảm trọng lượng, tăng khả năng cách âm, cách nhiệt và tính chảy của bê tông bọt. Chất tạo bọt được dùng trong sản xuất bê tông bọt ứng dụng vào các hạng mục công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp. Sau khi tìm hiểu các hệ thống tiêu chuẩn lớn trên thế giới, dự án đã sử dụng tiêu chuẩn ASTM C869 của Mỹ làm cơ sở để nghiên cứu biên soạn tiêu chuẩn này. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về kỹ thuật cho chất tạo bọt dùng trong sản xuất bê tông bọt như khối lượng thể tích, cường độ chịu nén, cường độ chịu kéo khi bửa, độ hút nước, tổn thất khí sau khi bơm … Tiêu chuẩn này khuyến khích các cơ sở, nhà máy sản xuất và các đơn vị xuất nhập khẩu chất tạo bọt (dùng để chế tọa bê tông bọt) ở trong và ngoài nước áp dụng.

KS. Ninh Xuân Thắng - Chủ nhiệm dự án Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN …: 2014 “Chất tạo bọt cho bê tông bọt – Phương pháp thử” cũng đã trình bày trước Hội đồng về sự cần thiết cũng như các căn cứ để xây dựng Dự thảo. Theo trình bày, các phương pháp thử xác định tính chất của các loại chất tạo bọt trên thế giới đã được xây dựng và ban hành để có thể đáp ứng yều cầu trong sản xuất bê tông bọt. Dự thảo tiêu chuẩn “Chất tạo bọt cho bê tông bọt – Phương pháp thử” quy định các phương pháp thử trong phòng thí nghiệm đối với các loại chất tạo bọt được dùng để tạo bọt (bọt khí) trong chế tạo bê tông bọt. Tiêu chuẩn được biên soạn trên cơ sở ASTM C 796 – 12 nhằm xác định 5 chỉ tiêu chính theo yêu cầu kỹ thuật của TCVN …:2014 là khối lượng thể tích, cường độ chịu nén, cường độ chịu kéo khi bửa, độ hút nước và tổn thất khi bơm. Tiêu chuẩn này khuyến khích các sơ sở sản xuất chất tạo bọt cho bê tông bọt trong cả nước cũng như các cơ sở xuất nhập khẩu áp dụng.

Tại Hội nghị nghiệm thu, các chuyên gia phản biện cũng như các ủy viên của Hội đồng đã đánh giá cao những cố gắng của các chủ nhiệm dự án, và cho rằng hai chủ nhiệm đã làm việc nghiêm túc, công phu, tài liệu tham khảo phong phú. Tuy nhiên, các chuyên gia phản biện và các ủy viên Hội đồng cũng đóng góp, trao đổi với nhóm nghiên cứu về một số vấn đề cần bổ sung hoặc làm rõ. Các ý kiến góp ý của Hội đồng đã được hai chủ nhiệm dự án giải trình ngay tại chỗ và tiếp thu một cách nghiêm túc.

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường Bộ Xây dựng – Th.S Trần Đình Thái nhất trí với các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng và đề nghị các chủ nhiệm dự án tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Dự thảo.

Hai dự án đã được nghiệm thu với kết quả xếp loại Xuất sắc.

                                                               Nguồn: Bộ Xây dựng

Trung tâm Thông tin

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả