Sản xuất xi măng lò đứng - chuyển đổi công nghệ và chuyển hướng sản xuất

Ngày 26/10/2011 12:00
Ngày 21 tháng 10 năm 2011, Viện Vật liệu Xây dựng đã tổ chức Hội thảo về vấn đề dừng sản xuất xi măng lò đứng và việc chuyển đổi công nghệ và chuyển hướng sản xuất.

Chưa có ảnh

Tham dự Hội thảo có các doanh nghiệp sản xuất xi măng lò đứng, lò quay công suất nhỏ; các nhà quản lý; các chuyên gia nghiên cứu và đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam.

Tại Hội thảo, Thạc sỹ Lê Đức Thịnh - Viện VLXD đã trình bày kết quả triển khai dự án khảo sát thực trạng và đề xuất các cơ chế chính sách khi thực hiện dừng sản xuất xi măng lò đứng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất rằng chương trình phát triển 3 triệu tấn xi măng giai đoạn 1993 - 1997 đã có những đóng góp rất có ý nghĩa trong giai đoạn 1996 - 2008, khi mà nhu cầu xi măng tăng nhanh, chưa kịp đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất xi măng lớn, hiện đại. Các doanh nghiệp xi măng lò đứng đã tạo việc làm trực tiếp cho trên 16.000 lao động, tăng nguồn thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho nhiều địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, công nghệ xi măng lò đứng không còn phù hợp, do năng suất lao động thấp, điều kiện lao động nặng nhọc, tiêu hao nguyên, nhiên liệu lớn. Một số nhà máy đã thực hiện chuyển đổi sang công nghệ lò quay, quy mô công suất nhỏ, loại từ 300 đến 1500 tấn clanke/ngày. Theo ý kiến của một số doanh nghiệp đã chuyển đổi, khi chuyển sang lò quay công suất nhỏ các điều kiện sản xuất được cải thiện, chất lượng sản phẩm được nâng cao và ổn định hơn, môi trường được đảm bảo hơn. Tuy nhiên, các chi phí sản xuất của các nhà máy lò quay công suất nhỏ vẫn cao hơn các lò quay công suất lớn nên về lâu dài cũng khó cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp không thực hiện chuyển đổi công nghệ đang gặp khá nhiều khó khăn, có tới 1/3 doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động lò nung vì không hiệu quả,... Định hướng của các doanh nghiệp này cũng khá đa dạng, như: chuyển thành trạm nghiền xi măng sử dụng clanhke của các doanh nghiệp xi măng lò quay, sản xuất vật liệu không nung, chuyển hướng hoạt động khác. Cũng còn một số doanh nghiệp đang lúng túng về định hướng chuyển đổi.

Nhiều đại biểu kiến nghị nhà nước có các chính sách hỗ trợ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển đổi của các doanh nghiệp sản xuất xi măng lò đứng như: có chính sách giải quyết lực lượng lao động dôi dư, cho vay vốn ưu đãi để chuyển đổi, giới thiệu công nghệ sản xuất các sản phẩm VLXD khác có thể tận dụng được mặt bằng, thiết bị và nhân lực của các nhà máy xi măng lò đứng cũ, giảm thuế khi đầu tư sản xuất các sản phẩm khác,... Hội thảo đã được nghe 12 ý kiến đóng góp, kiến nghị của các đơn vị.

Kết thúc buổi Hội thảo, thay mặt Viện VLXD, TS. Lương Đức Long - Viện trưởng đã cảm ơn các đại biểu đến tham dự Hội thảo và cho biết viện VLXD sẽ tập hợp các ý kiến thu được trong Hội thảo, báo cáo Bộ Xây dựng để Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp xi măng lò đứng khi thực hiện dừng sản xuất theo yêu cầu của "Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết dịnh số 1488/QĐ-TTg, ngày 29/8/2011. 

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

ThS. Lê Đức Thịnh - Chủ nhiệm dự án báo cáo tại Hội thảo
ThS. Lê Đức Thịnh - Chủ nhiệm dự án báo cáo tại Hội thảo.

Các đại biểu thảo luận
Các đại biểu thảo luận.

Thay mặt Viện VLXD TS. Lương Đức Long - Viện trưởng cảm ơn các đại biểu đến tham dự Hội thảo.
Thay mặt Viện VLXD TS. Lương Đức Long - Viện trưởng
cảm ơn các đại biểu đến tham dự Hội thảo.

Trung tâm TT

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả