VIBM: Họp nghiệm thu đề tài RD "Nghiên cứu xây dựng chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng thạch cao phospho làm lớp móng cho đường giao thông và làm vật liệu san lấp cho công trình xây dựng"

Ngày 30/03/2023 11:52
Ngày 29/03/2023, Hội đồng khoa học đã họp đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ của Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) đề tài “Nghiên cứu xây dựng chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng thạch cao phospho làm lớp móng cho đường giao thông và làm vật liệu san lấp cho công trình xây dựng" mã số RD 25-22 do ThS. Trịnh Thị Châm – Trung tâm XM&BT - VIBM chủ trì thực hiện. PGS.TS. Lê Trung Thành – Viện trưởng VIBM chủ trì cuộc họp.

Chưa có ảnh

Thành phần tham dự gồm có:  TS. Phùng Mai Phương - Thư ký khoa học; TS. Nguyễn Xuân Sinh – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất – Bộ Công Thương, TS. Đinh Quang Hưng – Viện KHCN Môi trường – Đại học Bách khoa Hà Nội, NCS. Lưu Ngọc Lâm – Phó GĐ phòng thí nghiệm trọng điểm đường bộ 1 – Viện Công nghệ giao thông vận tải, KS. Bùi Đăng Duẩn – Phó TGĐ Công ty CP DAP – VINACHEM, TS. Trần Toàn Thắng – Phó GĐ Viện chuyên ngành Địa kỹ thuật – Viện KHCN Xây dựng, PGS.TS Trần Thị Việt Nga – Trưởng khoa kỹ thuật Môi trường – Trường ĐH Xây dựng Hà Nội. Ngoài ra, các khách mời bao gồm: đại diện Công ty CP DAP- VINACHEM, đại diện Công ty CP DAP số 2 – VINACHEM, đại diện Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai, đại diện Công ty CP Tư vấn phát triển công trình 33 và một số khách mời khác.

Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng, lượng PG còn tồn chứa ngoài bãi thải tới cuối năm 2022 là 12,7 triệu tấn. Việc tiêu thụ PG còn chậm, chỉ khoảng 600.000 tấn/năm chủ yếu làm phụ gia cho xi măng, trong khi lượng phát thải hàng năm khoảng 2,1 triệu tấn nên lượng tiêu thụ còn quá thấp so với sản lượng phát thải. Theo quyết định 452/QĐ-TTg ngày 12/04/2017 của Thủ tướng chính phủ, mục tiêu tới năm 2020 xử lý và sử dụng lượng PG làm vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng đạt 52% tổng lượng tích lũy (cụ thể khoảng 16,5 triệu tấn PG), trong đó mục tiêu sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng công trình, hoàn nguyên mỏ và làm đường giao thông khoảng 12 triệu tấn. Để đạt được mục tiêu này, cần có các nghiên cứu, thử nghiệm và chỉ dẫn kỹ thuật cho việc sử dụng thạch cao phospho (PG) làm lớp móng cho các công trình giao thông và làm vật liệu san lấp.

Thuyết trình tại buổi nghiệm thu đề tài, ThS. Trịnh Thị Châm – Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết: Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là có được kết quả nghiên cứu tổng quan, kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thi công thử nghiệm hiện trường và quan trắc môi trường từ đó xây dựng Chỉ dẫn kỹ thuật “Sử dụng thạch cao phospho làm lớp móng cho đường giao thông và làm vật liệu san lấp cho công trình xây dựng”. Chỉ dẫn kỹ thuật sẽ làm cơ sở cho việc sử dụng, thi công, kiểm tra, giám sát và nghiệm thu lớp móng công trình giao thông và bãi san lấp sử dụng thạch cao phospho.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy: các mẫu PG lấy tại 03 nhà máy hóa chất, phân bón tại Việt Nam không phải là chất thải nguy hại, các mẫu có hoạt độ phóng xạ an toàn theo TCXDVN 397:2007, có thể sử dụng số lượng không hạn chế cho các công trình xây dựng, đường giao thông. Các đánh giá trong phòng thí nghiệm cho thấy rằng, PG khi được xử lý tính axit, ổn định/đóng rắn các thành phần ô nhiễm có thể đáp ứng các yêu cầu làm lớp móng cho đường giao thông và làm vật liệu san lấp. Trong quá trình thi công thử nghiệm tại hiện trường, quy trình thi công và nghiệm thu cấp phối PG làm lớp móng đường và làm vật liệu san lấp tương tự như đối với vật liệu thông thường, tuy nhiên cần bổ sung thêm thiết bị phối trộn cấp phối PG, đảm bảo độ đồng đều. Quan trắc nước mặt, nước ngầm, nước hố thu tại các đoạn đường và bãi san lấp thử nghiệm cho thấy rằng, các cấp phối thạch cao phospho không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

Nhóm đề tài kiến nghị: Bộ Xây dựng sớm cho ban hành Chỉ dẫn kỹ thuật “Sử dụng thạch cao phospho làm lớp móng cho công trình giao thông, vật liệu san lấp cho công trình xây dựng” để các doanh nghiệp, người sử dụng có căn cứ áp dụng và thực hiện; đồng thời tiếp tục nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về thạch cao phospho làm lớp móng cho công trình giao thông và làm vật liệu san lấp để thạch cao phospho trở thành sản phẩm, không còn là chất thải.

Nhận xét về đề tài, các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đánh giá cao kết quả cũng như sự nỗ lực của nhóm nghiên cứu. Nhóm đề tài đã thực hiện với khối lượng công việc lớn, các kết quả công phu, đáng tin cậy. Ngoài ra, nhóm đề tài cần chỉnh sửa, bổ sung theo góp ý của các phản biện và thành viên trong Hội đồng: chỉnh sửa lại nội dung thi công, nghiệm thu trong Chỉ dẫn kỹ thuật; báo cáo tổng kết cần viết rõ quy cách lấy mẫu, phân tích mẫu và hoàn thiện để trình Bộ Xây dựng nghiệm thu theo quy định.

Một số hình ảnh khác tại buổi họp nghiệm thu:




Tin/Ảnh: Châm Trịnh – Thu Hằng

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả