Nghiệm thu đề tài nghiên cứu: Nghiên cứu chế tạo men có độ cứng và độ chịu mài mòn cao ứng dụng cho công nghiệp gốm sứ xây dựng”

Ngày 09/06/2010 02:48
Ngày 31 tháng 5 năm 2010, Viện Vật liệu xây dựng đã tổ chức Hội đồng chuyên ngành nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu chế tạo men có độ cứng cao và độ chịu mài mòn cao ứng dụng cho công nghiệp gốm sứ xây dựng” thuộc Chương trình Khoa học công nghệ cấp Nhà nước KC 02.

Men gốm sứ là lớp phủ trang trí bề mặt làm tăng tính thẩm mỹ và một số tính năng kỹ thuật cho gốm sứ như: độ cứng, độ chịu mài mòn, độ bền cơ, độ bền hoá học, độ bóng trắng hay màu sắc, hoa văn…. Gạch gốm ốp lát được phát triển mạnh trên thế giới và Việt nam. Sản lượng gạch gốm ốp lát hiện nay khoảng hơn 300 triệu m2/năm, trong đó phần lớn là loại gạch phủ men, tính từ năm 2000 đến 2008 bình quân mức tăng trưởng gạch gốm ốp lát ở nước ta khoảng 20% / năm. Sản lượng gạch ốp lát năm 2000 là 60,7 triệu m2/ năm, năm 2002 là 94,5 triệu m2/năm, năm 2005 là 150 triệu m2/năm, năm 2006 là 170 triệu m2/năm, năm 2007 là 200 triệu m2/năm, năm 2008 là 270 triệu m2/năm, năm 2009 là 300 triệu m2/năm trong đó khoảng 46 triệu m2 là gạch gốm granit.

Những năm qua tuy đã có một số công trình nghiên cứu chế tạo men đưa vào ứng dụng sản xuất nhằm thay thế một phần men nhập khẩu và một số doanh nghiệp nhập công nghệ sản xuất frit để làm men gốm sứ như frit Huế, frit Bình Dương, song chủ yếu sản xuất các loại frit trong đục và các loại men engobe, men nền loại bóng thường có độ cứng, độ chịu mài mòn không cao.

Nghiên cứu chế tạo men có độ cứng và độ chịu mài mòn cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm gạch gốm ốp lát là việc làm cần thiết hiện nay vì chất lượng gạch gốm ốp lát ở nước ta không cao nên giá trị xuất khẩu hàng năm còn hạn chế, chưa vượt quá 10 % sản lượng.

Sau 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm ở quy mô pilot đến ứng dụng sản xuất thử nghiệm trong điều kiện sản xuất công nghiệp, các kết quả nghiên cứu đã đạt được các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản đó là:

- Nghiên cứu thành công loại men có độ cứng và độ chịu mài mòn cao trong điều kiện nung nhanh, nung một lần bằng nguyên liệu chủ yếu sản xuất trong nước.

- Nhiệt độ nấu Frit (1360–14000C) và nhiệt độ nung men (1184–11850C) không quá cao phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất.

- Men nghiên cứu phù hợp với xương gạch, gạch không bị cong vênh, hệ số dãn nở nhiệt phù hợp, mặt men không có khuyết tật, độ cứng bề mặt đạt 7 mohs và độ chịu mài mòn đạt cấp II (450–600 vòng).

Các kết quả nghiên cứu sẽ góp phần đa dạng hoá sản phẩm, tạo ra men có chất lượng cao về độ cứng và độ chịu mài mòn đồng thời nâng cao khả năng tự chủ trong sản xuất và giảm chi phí nhập khẩu.

Với các kết quả thu được Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao nỗ lực nghiên cứu của nhóm đề tài và đề nghị hoàn chỉnh các hồ sơ theo các ý kiến Hội đồng trước khi làm thủ tục nghiệm thu cấp Bộ.

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả