Vật liệu không nung thời cơ đã đến

Ngày 18/05/2009 11:29
Trong vòng 8 năm 2000-2007, cả nước sản xuất khoảng 120 tỷ viên gạch nung, tiêu tốn 180 triệu m3 đất sét, tương đương diện tích 9000 ha.

Các nước trên thế giới vật liệu không nung chiếm 70%

Gạch xây là loại VLXD được sử dụng rộng rãi trong mọi công trình xây dựng và cũng được sản xuất tại nhiều nhà máy, cơ sở khắp cả nước.

Theo số liệu của Hội VLXD Việt Nam, năm 2008 ngành xây dựng cả nước sử dụng trên 22 tỷ viên gạch quy chuẩn. Ước tính nhu cầu cả nước năm 2010 là 25 tỷ viên, năm 2015 là 32 tỷ viên và năm 2020 cần tới 42 tỷ viên.
Phần lớn trong số lượng gạch xây được sử dụng ở nước ta vẫn là loại gạch đất sét nung (gạch đỏ), gạch không nung chỉ chiếm khoảng 8-8,5%. 

Sự phát triển ồ ạt các lò gạch đất sét nung dẫn đến những hậu quả tai hại về lâu dài, như: ô nhiễm môi trường, mất đất canh tác…

Gạch đất sét nung có kích thước nhỏ (60.110.200 mm), cường độ chịu lực 3,5-5 MPA, nên tốn nhân công và vật liệu, mặt khác kém phù hợp với các công trình cao tầng và những khối kiến trúc hiện đại.
Trong khi VLXD không nung có nhiều ưu điểm hơn như có kích thước lớn (300.200.600 mm, hoặc 300.100.600 mm), kết cấu rỗng, rất tiện cho thi công hệ thống điện, nước, cáp ngầm. 

Công nghệ sản xuất VLXD không nung không quá phức tạp, suất đầu tư thấp, giảm được nhiên liệu nung đốt và tận dụng được những loại phế thải làm nguyên liệu sản xuất.
Ngoài ra, việc sử dụng VLXD không nung sẽ thúc đẩy ngành sản xuất VLXD phát triển theo xu hướng của thế giới, như: vật liệu nhẹ, chống động đất, cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường… Chính vì vậy, ở các nước phát triển, như: Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu… đều có tỷ lệ sử dụng VLXD không nung chiếm trên 70% thị phần.

Trong khi đó, công nghiệp sản xuất VLXD không nung ở nước ta vẫn phát triển rất chậm và chưa có nhiều nhà máy áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại. 

Nguyên nhân là do các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển VLXD không nung còn thiếu và chưa đồng bộ. 
Đến nay vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn, đơn giá, quy phạm xây dựng liên quan đến sản xuất và sử dụng gạch block bê tông, sản phẩm bê tông nhẹ vào các công trình xây dựng. Giá VLXD không nung trước kia thường khá cao, hiện nay tuy đã hạ nhưng vẫn chưa thấp hơn rõ rệt so với gạch đỏ. 

Chính sách thuế đối với việc khai thác tài nguyên đất sét, thuế môi trường đối với cơ sở sản xuất VLXD có nung còn bất cập, dẫn tới thiếu công bằng trong cạnh tranh vế giá. Mặt khác từ xa xưa, nhân dân ta vẫn quen sử dụng loại VLXD đất sét nung, các chủ đầu tư, chủ công trình nhiều khi còn chưa thấy được sự ưu việt của loại VLXD không nung.

Thời cơ đã chín muồi?

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về VLXD, thời cơ phát triển của VLXD không nung đã chín muồi. Bởi nhu cầu VLXD trong những năm tới sẽ tăng cao, trong khi đó việc mở rộng sản xuất loại vật liệu có nung sẽ khó khăn do chính sách không khuyến khích sản xuất của Chính phủ và quỹ đất cũng không còn nhiều.

Về công nghệ sản xuất hiện nay cũng đã có những tiến bộ vượt bậc, có thể sản xuất được các loại vật liệu nhẹ, tỷ suất 0,3-1,2; bê tông bọt, bê tông khí nhưng cường độ chịu nén vẫn đạt 4-10 MPA, các loại ngói màu... Những sản phẩm này được ứng dụng rộng rãi trong mọi loại công trình xây dựng vì các đặc tính nhẹ, bền, đẹp.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng dễ dàng tìm được thiết bị, công nghệ phù hợp với năng lực tài chính và nguồn nguyên liệu đầu vào sẵn có. 

Hiện nay trên thị trường có nhiều nhà cung cấp thiết bị theo phương thức trọn gói, với công nghệ từ thủ công đến tự động hoàn toàn, mức đầu tư từ 5 nghìn USD đến 5 triệu USD cho một dây chuyền sản xuất.
Quyết định 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 đã đưa ra lộ trình: Sản lượng VLXD không nung thay thế VLXD có nung sẽ chiếm tỷ lệ 10-15% vào năm 2010; 20-25% vào năm 2015 và sẽ đạt tỷ lệ 30-40% vào năm 2020.

                                                                                Nguồn: Diaoc24h.com.vn

 

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả