Hội thảo vật liệu xây dựng mới cho những công trình xây dựng trong tương lai

Ngày 13/10/2018 04:58
Ngày 13/10/2018, tại hội trường Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Bộ Xây dựng, Viện Vật liệu Xây dựng (VIBM) phối hợp cùng Báo Xây dựng tổ chức buổi hội thảo “Vật liệu xây dựng mới cho những công trình xây dựng trong tương lai”.

Chưa có ảnh

Tham dự hội thảo có sự hiện diện của ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, ông Lê Trung Thành – Viện trưởng VIBM, ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng biên tập báo Xây dựng, cùng đại diện của các Hội, Hiệp hội chuyên ngành, các doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh rằng các đô thị thông minh đang trở thành xu hướng phát triển chung của xã hội hiện đại để đáp ứng nhu cầu hoàn hảo của con người. Chính trong xu hướng phát triển này, vai trò to lớn của các phát minh đổi mới công nghệ vật liệu đa dạng chất lượng, chủng loại, mẫu mã cả sản phẩm tự nhiên lẫn nhân tạo ngày càng được khẳng định nhằm tạo dựng nơi ở cho con người đầy đủ tiện nghi, văn minh, hiện đại và bền vững.

Tại hội thảo, Viện trưởng Lê Trung Thành chia sẻ theo định hướng phát triển bền vững ngành Xây dựng nói chung và lĩnh vực vật liệu xây dựng (VLXD) nói riêng, trong tương lai, các công trình xây dựng sẽ càng được chú trọng tới độ bền chịu lực, độ bền theo thời gian, tiết kiệm năng lượng tiết kiệm chi phí sản xuất và xây lắp, đặc biệt phải thích ứng với khí hậu nơi xây dựng công trình. Vì vậy, một số định hướng chính về phát triển vật liệu trong tương lai cần tập trung đối với các chủng loại vật liệu như xi măng; vật liệu ốp lát và sứ vệ sinh; kính; vật liệu hữu cơ; VLXD thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường;...

Nhấn mạnh vai trò của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành VLXD, ông Lương Văn Hùng – Chuyên viên chính Vụ VLXD cho biết tại Việt Nam hiện nay, sự phát triển không ngừng của công nghệ sẽ mở ra cho ngành VLXD nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời là một cơ hội đổi mới và phát triển VLXD của tương lai. Chính vì thế, ngành VLXD cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, giảm chi phí đồng bộ các khâu từ giao dịch, vận chuyển vào sản xuất VLXD để hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh mô hình quản lý, sản xuất tối ưu hóa mô hình kinh doanh, khai thác, chế phẩm hàng hóa, triển khai các nghiên cứu khoa học mũi nhọn, vật liệu mới, xây dựng đô thị thông minh gắn với sử dụng vật liệu thông minh.

Theo ông Lê Văn Tới – Phó chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, mặc dù việc sử dụng VLXD đang tăng lên, cụ thể trong 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) thay thế gạch đất sét nung đã đạt trên 30% cao hơn so với tỷ lệ sử dụng VLXKN trung bình cả nước năm 2017 là 27%. Nhưng vẫn còn tồn tại những thách thức cản trở việc sử dụng VLXD mới và những vướng mắc làm chậm tiến trình sử dụng VLXD mới. Để tăng cường sử dụng VLXD mới, ông Lê Văn Tới cũng đề ra các giải pháp về cơ chế chính sách, khung kỹ thuật, đào tạo, công nghệ và truyền thông nhằm công bố rộng rãi những hiệu quả thực tế của công trình sử dụng VLXD mới.

Hiện nay, tại Việt Nam, các công trình nghiên cứu khoa học VLXD mới đang ngày càng được quan tâm và chú trọng mà trong đó phải kể tới là ba công trình nghiên cứu của trường Đại học Xây dựng: “Nghiên cứu sử dụng tro xỉ các nhà máy nhiệt điện để chế tạo cốt liệu thay thế đã dăm, sỏi thông dụng dùng cho bê tông”, “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất VLXKN trong điều kiện khí hậu nhiệt đới” và  “Nghiên cứu phát triển bê tông chất lượng siêu cao (UHPC) ở Đại học xây dựng”. Mục tiêu chung của ba nghiên cứu khoa học này hướng tới nghiên cứu nhiều chủng loại VLXD mới nhằm bảo đảm phát triển công nghệ sản xuất VLXD tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển VLXD mới, giá thành thấp, chất lượng cao, than thiện môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Trong buổi hội thảo, các doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất VLXD tại Việt Nam cũng giới thiệu những sản phẩm VLXD mới cho nền công nghệ xanh như kính tiết kiệm năng lượng Vigalcera, tấm tường ALC Viglacera, giải pháp Lọc nước tổng và Bể chứa nước ngầm bằng vật liệu phức hợp nhựa nguyên sinh (GRP) của Viglacera, xi măng Việt Nam với công nghệ 4.0, giải pháp vật liệu toàn diện cho bếp của Hafele, công nghệ tấm tường ACOTEC – Xuân Mai,… Các sản phẩm VLXD mới này đều thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống người sử dụng.

Buổi hội thảo “Vật liệu xây dựng mới cho những công trình xây dựng trong tương lai” do VIBM phối hợp cùng báo Xây dựng tổ chức đã trở thành một diễn đàn ý nghĩa cho các doanh nghiệp, chuyên gia và các cơ quan chức năng trao đổi và chia sẻ những nghiên cứu và công nghệ sản xuất VLXD mới. Đồng thời, đây cũng là dịp để tôn vinh cũng như tri ân những đóng góp của các doanh nghiệp trong lĩnh vực Xây dựng nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:


TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng VIBM phát biểu tại Hội thảo


Toàn cảnh Hội thảo







Trung tâm Thông tin

Tags: Hội thảo

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả