Tham gia buổi làm việc có TS. Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng VIBM; TS. Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam; TS. Lương Đức Long – Phó chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam; PGS.TS. Lê Hoành Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội; ThS. Cao Tiến Phú – Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật (VIBM); ThS. Trịnh Thị Châm – Phó trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật (VIBM); ông Nguyễn Văn Xuân – Chủ tịch HĐQT Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Chung Sơn; bà Phạm Thị Chung – Phó Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Chung Sơn và thành viên nhóm đề tài.
Cùng với sự phát tiển nhanh chóng của kinh tế và quá trình đô thị hóa, thì môi trường đang phải gánh chịu những ảnh hưởng về sự gia tăng nhanh chóng các chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp. Trước thực trạng này, VIBM đã được Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ “nghiên cứu công nghệ, tính toán thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành hệ thống thiết bị pilot đốt gián tiếp (buồng đốt phụ) các nguồn rác thải này để tạo ra năng lượng làm nhiên liệu thay thế trong nhà máy sản xuất xi măng”.
Tại buổi làm việc, KS. Trần Thanh Bình cho biết nhóm đề tài đã kết hợp với Công ty TNHH Cơ khí Chung Sơn để chế tạo thành công hệ thống thiết bị đốt gián tiếp sử dụng trong các nhà máy sản xuất xi măng, hệ thống đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Vận hành theo nguyên lý buồng đốt theo bậc (step combustor – SC), hệ thống thiết bị đốt cho phép sử dụng các nhiên liệu thay thế khác nhau, kể cả các nhiên liệu thay thế dạng cục với nhiệt trị thấp, rác thải sinh hoạt. Từ đó có thể sử dụng đa dạng các nguồn phế thải về chủng loại và kích thước mà quá trình sơ chế ban đầu diễn ra đơn giản và nhanh chóng. Hệ thống thiết bị sử dụng đầu đốt gas để gia nhiệt, thiết kế hệ thống lò và các thiết bị liên động đơn giản nên có thể bảo trì nhanh chóng và dễ dàng. Trước tiên, nhiên liệu được nạp vào máng nạp bằng vít tải đặc biệt. Nhờ áp suất vận chuyển của vít tải, nhiên liệu được nâng lên bậc thứ nhất. Ở bậc này, nhiên liệu được gia nhiệt nhờ gió ba nóng đi qua nhiên liệu, các chất bốc bắt đầu được giải phóng. Việc vận chuyển các chất bốc khác nhau được thực hiện bằng các vòi phun xung.
Góp ý tại buổi làm việc, các chuyên gia đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của đề tài. Việc tận dụng rác thải rắn trong sinh hoạt và công nghiệp thay thế nguồn nguyên liệu truyền thống không những giúp nhà máy tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm trong khi chất lượng giữ nguyên mà còn giúp giảm thiểu phát thải CO2, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra những thực trạng tại các nhà máy xi măng để nhóm đề tài có thể tối ưu hóa hơn nữa hệ thống đốt rác của đề tài.
Sau khi báo cáo tóm tắt tiến độ đề tài và lấy ý kiến góp ý, đoàn công tác của VIBM và các chuyên gia cũng đã tới xem trực tiếp việc vận hành và hoạt động của hệ thống thiết bị đốt gián tiếp của nhóm đề tài và Công ty TNHH Cơ khí Chung Sơn tiến hành nghiên cứu, lắp đặt và chế tạo.
Một số hình ảnh buổi làm việc:
Hà Trang