Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng, những năm qua Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) luôn thực hiện tốt công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ công tác quản lý nhà nước, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hợp tác quốc tế, góp phần khẳng định vai trò quan trọng của một trong những đơn vị khoa học đầu ngành của cả nước về vật liệu xây dựng.
Chia sẻ kết quả hoạt động của VIBM 6 tháng đầu năm 2024, Viện trưởng Nguyễn Quang Hiệp cho biết, Viện đang triển khai thực hiện 70 nhiệm vụ nghiên cứu.
Trong đó, nhiệm vụ KHCN cấp Bộ được giao mới là 30 nhiệm vụ và 40 nhiệm vụ chuyển tiếp từ các năm trước sang năm 2024 là 40 nhiệm vụ (2 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 11 nhiệm vụ cấp Bộ Xây dựng, 2 nhiệm vụ cấp Sở, 7 nhiệm vụ cấp Viện, 18 dự án xây dựng tiêu chuẩn).
Về cơ bản, các nhiệm vụ VIBM thực hiện đúng nội dung khoa học được giao và đang thực hiện theo tiến độ. Hiện nay, VIBM đã nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu sử dụng tro xỉ nhiệt điện thay thế cốt liệu tự nhiên để chế tạo tấm tường rỗng bê tông nhẹ đúc sẵn” và dự kiến trong tháng 8/2024 sẽ nghiệm thu cấp nhà nước đề tài nghiên cứu này.
Đối với hoạt động nghiên cứu KHCN vốn nhà nước, Viện đã tổ chức nghiệm thu toàn bộ các nhiệm vụ có hạn kết thúc trước 6/2024. Các nhiệm vụ do Viện thực hiện đều đảm bảo đúng tiến độ, có chất lượng tốt. 100% các nhiệm vụ nghiệm thu tại Bộ Xây dựng đạt loại Khá trở lên.
Đối với nhiệm vụ KHCN cấp Viện, trong tháng 5/2024, VIBM đã nghiệm thu 6 nhiệm vụ KHCN cấp Viện.
Trong năm 2024 số lượng các nhiệm vụ KHCN được giao mới và kinh phí cho các nhiệm vụ mới nhiều hơn so với các năm trước (Năm 2023, số nhiệm vụ vốn NSNN thực hiện 6 tháng đầu năm là 41 nhiệm vụ).
| Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ KHCN nguồn vốn nhà nước, VIBM đang triển khai 16 nhiệm vụ KHCN vốn doanh nghiệp, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (12 nhiệm vụ). Các nhiệm vụ được doanh nghiệp đặt hàng VIBM nghiên cứu đã khẳng định năng lực, uy tín về công tác nghiên cứu ứng dụng, phục vụ trực tiếp lợi ích thiết thực của các doanh nghiệp. Đáng chú ý, đối với hoạt động dịch vụ KHCN, năm 2024, VIBM đặt kế hoạch doanh thu từ dịch vụ KHCN toàn Viện là 119,3 tỷ đồng, tăng khoảng 28% so với kế hoạch năm 2023 (93,2 tỷ đồng). |
Tính đến hết 30/6/2024, VIBM đã ký được 174 hợp đồng, trong đó, nhiều hợp đồng thí nghiệm VLXD cho các dự án lớn và các hợp đồng nghiên cứu KHCN cho doanh nghiệp, cung cấp sản phẩm và một số hợp đồng tư vấn dịch vụ kỹ thuật xây dựng. Giá trị doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 đạt 40,48 tỷ đồng, tăng 25,72 % so với cùng kỳ năm 2023 và đạt gần 40% kế hoạch năm 2024.
Lĩnh vực thí nghiệm, kiểm định, doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 của VIBM đạt 23,53 tỷ đồng, tăng 17,81% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỉ trọng 58,13% trong cơ cấu tổng doanh thu.
Bên cạnh đó, lĩnh vực tư vấn, nghiên cứu, đào tạo, thi công gồm có nghiên cứu KHCN (vốn doanh nghiệp), chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, tư vấn, thi công, doanh thu của nhóm lĩnh vực này là 10,75 tỷ đồng, tăng 144,8% so với năm 2023 và chiếm tỉ trọng 26,56% trong cơ cấu tổng doanh thu. Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất kinh doanh sản phẩm VLXD, doanh thu 6 tháng đầu năm là 5,41 tỷ đồng, tăng 26,40% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỷ trọng 13,7% trong tổng cơ cấu doanh thu.
Theo đánh giá của Viện trưởng Nguyễn Quang Hiệp, kết quả hoạt động dịch vụ 6 tháng đầu năm của các đơn vị khá ổn định và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 cả về số lượng hợp đồng và giá trị doanh thu.
Trong đó, điển hình là một số đơn vị có sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023. Các lĩnh vực hoạt động của Viện đều có sự tăng trưởng đáng kể, trong đó tăng cao nhất là nhóm lĩnh vực tư vấn, nghiên cứu, đào tạo, thi công. Đặc biệt, loại hình tư vấn cũng đã ký được hợp đồng có giá trị cao. Loại hình thí nghiệm kiểm định vẫn duy trì được tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu và có sự tăng trưởng, hiệu quả.
| Với kết quả doanh thu 6 tháng đầu năm và các công việc các đơn vị đang triển khai thực hiện, VIBM đang nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch được xây dựng từ đầu năm. Bên cạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN, nhiệm vụ cụ thể được giao từng lĩnh vực, VIBM cũng chú trọng đến công tác tổ chức, đào tạo đội ngũ viên chức, người lao động nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, đáp ứng các yêu cầu công việc được giao. Công tác đầu tư, tăng cường trang thiết bị và nâng cấp cơ sở vật chất; Hợp tác quốc tế; Chuyển đổi số và thông tin, truyền thông; Thông tin, truyền thông, thư viện; Công tác đào tạo, hội nghị, hội thảo; Công tác hỗ trợ quản lý được VIBM thường xuyên, quan tâm, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. |
Để triển khai các nhiệm vụ cho 6 tháng cuối năm, ông Hiệp cho biết, Viện đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN sử dụng vốn nhà nước đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ; Tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về VLXD (ICBM 2024); Thực hiện tốt công tác phục vụ quản lý nhà nước do Bộ Xây dựng giao và theo yêu cầu của các tổ chức, địa phương đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD và bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD; Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực VLXD và cơ khí xây dựng; Xuất bản các bài báo khoa học trong nước và quốc tế; Hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các đề tài, dự án chuyển tiếp và được giao mới năm 2024...
| Về triển khai hoạt động dịch vụ KHCN sử dụng vốn doanh nghiệp, Viện sẽ tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ các đơn vị trong việc tìm kiếm và phát triển thị trường các loại hình dịch vụ KHCN; Đôn đốc các đơn vị chuyên môn tập trung thực hiện đúng tiến độ, đạt chất lượng theo yêu cầu các hợp đồng đã ký, đặc biệt là các hợp đồng thí nghiệm hiện trường tại các dự án trọng điểm của nhà nước và các hợp đồng tư vấn có giá trị lớn; Tiếp tục tìm kiếm và phát triển thị trường cho một số loại hình công việc đặc thù và có thế mạnh của đơn vị nhằm đảm bảo kế hoạch doanh thu năm 2024. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu KHCN do doanh nghiệp đặt hàng (Ví dụ như các đơn vị: DAP Đình Vũ, các nhà máy xi măng thuộc VICEM và các nhà máy xi măng khác, các nhà máy sản xuất thép, đốt rác phát điện,... và một số tổ chức nước ngoài và quốc tế). Mở rộng dịch vụ thí nghiệm VLXD, tham gia dự thầu các dự án lớn, các công trình trọng điểm liên quan đến hạ tầng giao thông, xây dựng. Hoàn thiện hồ sơ năng lực và chứng chỉ liên quan đến các sản phẩm đặc thù, có lợi thế cạnh tranh của Viện.
|
Theo Viện trưởng Nguyễn Quang Hiệp, các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch 2024 sẽ tập trung tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Viện, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các đoàn thể trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy chế, qui định cho phù hợp với tình hình mới nhằm nâng cao hiệu lực quản lý của Viện, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường hơn nữa sự phối hợp, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Tăng cường ứng dụng số hóa trong quản lý, lưu trữ dữ liệu và nâng cấp hạ tầng hệ thống. Đầu tư mua sắm mới và sửa chữa các trang thiết bị, máy móc kịp thời cho các đơn vị chuyên môn phục vụ công tác nghiên cứu, thí nghiệm, kiểm định.
Tích cực tìm kiếm công việc, bám sát các dự án lớn, các công trình trọng điểm. Hoàn thiện hồ sơ năng lực và chứng chỉ liên quan đến các sản phẩm đặc thù, có lợi thế cạnh tranh của Viện.
Tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ cán bộ tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, nhất là các nghiên cứu viên trẻ có triển vọng. Đồng thời thu hút cán bộ nghiên cứu khoa học được đào tạo bài bản, có trình độ cao về làm việc tại Viện.
VIBM - Đơn vị nghiên cứu khoa học đầu ngành về vật liệu xây dựng (tapchixaydung.vn)
Theo nguồn: tapchixaydung.vn