Buổi nghiệm thu diễn ra dưới sự chủ trì của các Phó Viện Trưởng: ông Nguyễn Văn Huynh, bà Lưu Thị Hồng, ông Vũ Văn Dũng. Và có sự tham gia của Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật (KHKT) – ông Cao Tiến Phú; Phó Trưởng phòng KHKT - bà Trịnh Thị Châm; cùng các Giám đốc, Phó Giám đốc các Trung tâm chuyên môn.
Tại buổi họp nghiệm thu, ThS. Nguyễn Văn Minh (Trung tâm Gốm sứ - Thủy tinh) đã báo cáo tổng quan nhiệm vụ “Khảo sát đánh giá một số yếu tố ảnh hưởng đến chỉ tiêu thể tích xả sau, độ bền tải trọng và độ bền nắp nhựa của bệ xí bằng thiết bị chuyên dụng tại Viện Vật liệu xây dựng”, mã số V01-23.
Tiếp theo, TS. Kiều Lê Hải (Trung tâm Gốm sứ - Thủy tinh) báo cáo nhiệm vụ “Nghiên cứu xác định hệ số hấp thụ nhiệt (SHGC) của các loại kính xây dựng tính năng cao và đánh giá tính bền vững trong sửa dụng kính tại Việt Nam”, mã số V02-23. Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu xác định hệ số hấp thụ nhiệt (SHGC) của các loại kính xây dựng tính năng cao (các loại kính tiết kiệm năng lượng) đang lưu hành tại thị trường trong nước và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sử dụng kính đảm bảo tính bền vững trong công trình xây dựng tại Việt Nam.
Cũng trong buổi nghiệm thu, ThS. Trương Đức Tiệp (Trung tâm Vật liệu chịu lửa và chống cháy) thay mặt nhóm đề tài báo cáo nhiệm vụ “Nghiên cứu nâng cao độ bền sốc nhiệt của bê tông chịu lửa sử dụng cốt liệu bô xít thiêu kết”, mã số V03-23. Mục tiêu của đề tài nghiên cứu nâng cao độ bền sốc nhiệt của bê tông chịu lửa bằng cách thay thế một phần cốt liệu bô xít thiêu kết bằng cacbua silic (SiC). Kết quả cho thấy khi thay thế bô xít bằng SiC, bê tông chịu lửa có hệ số giãn nở nhiệt thấp hơn, độ bền sốc nhiệt tăng lên đáng kể. Tuy nhiên hàm lượng SiC thêm vào ảnh hưởng đến mật độ khối và tính chất cơ lý của sản phẩm. Trong điều kiện thử nghiệm, chỉ nên sử dụng tối đa hàm lượng SiC 15% để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm.
Thay mặt nhóm đề tài, KS. Lê Tuấn Anh (Trung tâm Thiết bị, Môi trường và An toàn lao động) đã báo cáo nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá một số phương pháp, kỹ thuật đo thường được sử dụng để xác định hệ số dẫn nhiệt vật liệu xây dựng”, mã số V04-23. Mục tiêu của đề tài là có được kết quả nghiên cứu tổng quan, kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm của một số loại vật liệu cách nhiệt từ đó đưa ra đề xuất loại vật liệu phù hợp với từng thiết bị và tiêu chuẩn thử nghiệm, đồng thời giúp đào tạo nâng cao trình độ cán bộ của VIBM, định hướng sử dụng thiết bị phù hợp, hiệu quả.
KS. Ngô Tuấn Dũng (Trung tâm Vật liệu hữu cơ và hoá phẩm xây dựng) thay mặt nhóm đề tài trình bày báo cáo “Nghiêm cứu nâng cao khả năng chống bắt cháy của vật liệu trên cơ sở nhựa PVC (Poly Vinyl Clorua) theo thử nghiệm khó bắt cháy (BC) của QCVN 06:2022/BXD”, mã số V05-23. Mục đích của đề tài là lựa chọn loại và hàm lượng tác nhân chống phù hợp cho nhựa PVC; đồng thời nâng cao khả năng chống bắt cháy của vật liệu đạt mức BC2 theo QCVN 06:2022/BXD.
KS. Phan Văn Quỳnh (Trung tâm Xi măng bê tông) trình bày báo cáo “Nghiên cứu ảnh hưởng của cốt sợi phân tán (sợi PP) đến đặc trưng lưu biến, tính chất cơ lý, độ co tuổi sớm và độ bền kháng nứt của bê tông tự lèn”, mã số V06-23. Mục tiêu của nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của cốt sợi phân tán đến đặc trưng lưu biến của hỗn hợp và tính chất cơ lý của bê tông tự lèn, qua đó, làm chủ công nghệ bê tông tự lèn chất lượng cao cho công trình dân dụng và công nghiệp.
Sau phần trình bày của các chủ nhiệm đề tài, Hội đồng Khoa học công nghệ VIBM đã thảo luận, đưa ra các ý kiến nhận xét, góp ý nội dung, thống nhất nghiệm thu và yêu cầu nhóm thực hiện đề tài tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo góp ý của Hội đồng.
Một số hình ảnh khác tại buổi nghiệm thu:
Vũ Dương