Thử nghiệm thang máng cáp

Ngày 26/04/2019 10:57
Thang máng cáp là một loại hệ thống thang dẫn dùng cho việc lắp đặt đường dây và cáp điện trong các công trình sản xuất xí nghiệp, chung cư, các công trình công cộng và xã hội như bệnh viện, trường học…

Chưa có ảnh

Khi sử dụng hệ thống thang máng cáp sẽ mang lại sự an toàn, độ tin cậy, tiết kiệm không gian và chi phí thiết kế, tiết kiệm nguyên vật liệu, thời gian lắp đặt, chi phí lắp đặt cũng như chi phí bảo dưỡng. Thang máng cáp bảo vệ an toàn cho hệ thống cáp và người thợ trong quá trình thi công, hạn chế tối đa những rủi ro rách hoặc xước vỏ cáp trong máng để không gây tổn hại cho người thợ. Thiết kế hình dạng thang máng cáp khá đơn giản nhưng vô cùng chắc chắn nên quá trình thi công lắp đặt có thể di chuyển một cách dễ dàng. Các công cụ hỗ trợ quá trình lắp đặt bao gồm: kìm cắt thép, tua vít, chìa vặn đai ốc… rất dễ thao tác bằng tay nên thời gian thi công được rút ngắn.


Sơ đồ lắp đặt hệ thống thang máng cáp cơ bản

Tiêu chuẩn TCVN 10688:2015 (IEC 61537:2006) – Hệ thống máng cáp và hệ thống thang cáp, quy định các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử nghiệm đối với hệ thống máng cáp và hệ thống thang cáp được thiết kế cho việc đỡ và chứa cáp hoặc có thể là các thiết bị điện khác trong hệ thống lắp đặt điện và/hoặc viễn thông. Trong trường hợp cần thiết, hệ thống máng cáp và hệ thống thang cáp có thể được dùng để phân chia hoặc bố trí cáp thành các nhóm. Yêu cầu chung đối với hệ thống thang, máng cáp là phải được thiết kế và có kết cấu sao cho khi được lắp đặt theo hướng dẫn phải đảm bảo việc đỡ cáp chắc chắn. Các hệ thống này không được gây nguy hiểm cho người sử dụng hoặc cho cáp. Thang, máng cáp được phân loại thành các nhóm như sau:

Bảng phân loại thang, máng cáp

STT

Phân loại

Nhóm phân loại

1

Theo vật liệu

Hệ thống bằng vật liệu kim loại

Hệ thống bằng vật liệu phi kim loại

Hệ thống bằng vật liệu compozit

2

Theo khả năng chống cháy lan

Hệ thống có tính cháy lan

Hệ thống không cháy lan

3

Theo tính dẫn điện liên tục

Hệ thống không có tính dẫn điện liên tục

Hệ thống có tính dẫn điện liên tục

4

Theo tính dẫn điện

Hệ thống không dẫn điện

Hệ thống dẫn điện

5

Theo khả năng chịu ăn mòn

Phân loại thành các cấp không ăn mòn: Class 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9A, 9B, 9C, 9D phụ thuộc vào thành phần vật liệu và lớp phủ bảo vệ

6

Theo nhiệt độ ứng dụng

Ứng dụng ở nhiệt độ thấp: Chia thành các loại +5oC; -5oC; -15oC; -20oC; -40oC; -50oC.

Ứng dụng ở nhiệt độ cao: Chia thành các loại +40oC; +60oC; +90oC; +105oC; +120oC; +150oC;

7

Theo tỷ lệ diện tích lỗ trên đáy máng cáp

Phân loại thành các cấp: A (đến 2%); B (2 đến 15%); C (15 đến 30%); D (trên 30%);

8

Theo diện tích mặt thoáng thang cáp

Phân loại thành các cấp: X (đến 80%); Y (80 đến 90%); Z (trên 90%);

9

Theo khả năng chịu va đập

Chia thành các cấp chịu va đập: 2J; 5J; 10J; 20J; 50J.

Chỉ tiêu thử nghiệm đối với hệ thống sản phẩm thang, máng cáp như sau:

1. Độ bền cơ học


Hệ thống thang máng cáp phải có đủ độ bền cơ thông qua chỉ tiêu đánh giá là tải trọng làm việc an toàn (SWL - Safe Working Load) của sản phẩm. Nhà sản xuất phải công bố SWL cần thử nghiệm của sản phẩm: SWL tính bằng N/m đối với chi tiết nối, đoạn thang máng cáp bao gồm cả các mối nối nếu áp dụng một hoặc nhiều phương pháp lắp đặt; SWL tính bằng N của giá đỡ; SWL cho giá treo như mômen uốn tính bằng Nm hoặc một lực tính bằng N. Thông thường các nhà sản xuất sử dụng công thức được đưa ra trong Hướng dẫn thực hành Thang, máng cáp (BEAMA - Best Practice Guide to Cable Ladder and Cable Tray Systems) để ước lượng tải trọng cáp tối đa có khả năng được chứa trong thang máng cáp làm giá trị SWL công bố của sản phẩm



Kiểm tra sự phù hợp giá trị SWL công bố đối với toàn bộ dải nhiệt độ ứng dụng được công bố bằng qui trình thử nghiệm SWL được đưa ra trong Điều 10.2 của TCVN 10688:2015 (IEC 61537:2006). Khi chịu tải trọng thử SWL, mẫu thử phải không có hư hại hoặc nứt nhìn thấy được bằng mắt thường và độ võng giữa nhịp của từng mẫu không được vượt quá 1/100 chiều dài nhịp. Độ võng ngang của từng nhịp không được lớn hơn 1/20 chiều rộng của mẫu và mẫu vẫn phải đảm bảo đỡ chắc chắn cáp được chứa trong đó mà không gây rủi ro hoặc nguy hiểm nào cho người sử dụng và cho cáp.


Mô hình thử nghiệm SWL

Sau đó tăng tải trên mẫu lên tới 1,7 lần SWL. Mẫu phải chịu được tải tăng thêm mà không gãy. Có thể cho phép mẫu bị cong vênh và biến dạng khi thử nghiệm ở tải này.

2. Khả năng chịu va đập


Mẫu được lão hóa ở nhiệt độ 60±2oC trong 168h liên tục và thử nghiệm tại điều kiện nhiệt độ ứng dụng thấp công bố trong tối thiểu 2h. Thử nghiệm va đập theo cấp độ chịu va đập công bố, sau thử nghiệm mẫu phải cho thấy không có dấu hiệu vỡ hoặc biến dạng làm ảnh hưởng đến an toàn.

3. Tính liên tục về điện


Hệ thống thang, máng cáp phải có đủ tính dẫn điện liên tục để bảo đảm liên kết đẳng thế và nối đất nếu được yêu cầu theo ứng dụng của hệ thống thang, máng cáp. Trở kháng tính được không được lớn hơn  50 mW qua mối nối và 5 mW trên mỗi mét khi hệ thống thang máng cáp được phân loại có tính dẫn điện liên tục.

4. Tính chất cách điện

          

Hệ thống thang, máng cáp được công bố theo tính chất cách điện phải được coi là không dẫn điện nếu có điện trở suất bề mặt lớn hơn hoặc bằng 100 MW. Hệ thống thang, máng cáp kim loại và hệ thống kim loại có lớp mạ được phân loại là hệ thống dẫn điện. Kiểm tra đánh giá sự phù hợp bằng phép đo điện trở suất bề mặt: Mẫu phải chịu điện áp một chiều 500 ±10 V trong 1 phút. 

5. Đặc tính khả năng bắt cháy

     

Các thành phần hệ thống thang, máng cáp có thể chịu được nhiệt do sự cố về điện phải được hạn chế khả năng bắt lửa. Kiểm tra sự phù hợp bằng phép thử theo TCVN 9900-2-11:2013 (IEC 60695-2-11:2000), có nhiệt độ sợi dây nóng đỏ là 650oC. Mẫu được xem là không bắt cháy nếu không có ngọn lửa nhìn thấy được và than đỏ đáng kể hoặc lửa và than đỏ ở mẫu tắt trong vòng 30s sau khi lấy sợi dây nóng đỏ ra. Không có sự bắt cháy giấy bản hoặc giấy bìa cứng.

6. Đặc tính cháy lan

Các thành phần hệ thống thang, máng cáp không cháy lan phải không được bắt lửa hoặc nếu bắt lửa thì phải cháy lan hạn chế. Thử nghiệm cháy lan bằng cách sử dụng đèn đốt qui định trong TCVN 9900-11-2 (IEC 60695-11-2). Mẫu phải chịu ngọn lửa trong 60±2 s. Mẫu thử được coi là không cháy lan nếu không bắt lửa hoặc trong trường hợp bắt lửa thì phải đáp ứng ba điều kiện: Ngọn lửa tắt trong 30s sau khi lấy ngọn lửa thử nghiệm ra, không bắt cháy giấy bản và bìa cứng và không có dấu hiệu cháy hoặc đốt thành than phần phía dưới mẫu thử cao quá 50mm.

7. Khả năng chống ăn mòn


Các thành phần hệ thống thang, máng cáp phải có khả năng chống ăn mòn bằng các biện pháp bảo vệ chống ăn mòn. Cấp chống ăn mòn được phân loại theo chiều dày lớp phủ chống ăn mòn như sau:


Các thành phần hệ thống thang, máng cáp phải có đủ khả năng chống ăn mòn. Kiểm tra sự phù hợp bằng thử nghiệm phun muối trung tính NSS theo ISO 9227 trong thời gian qui định. Mẫu đạt thử nghiệm nếu sự ăn mòn không vượt quá mức 4 của ISO 10289.


Phòng thí nghiệm Trung tâm Thiết bị, Môi trường & An toàn Lao động của Viện Vật liệu xây dựng có khả năng thử nghiệm tất cả các tính năng của hệ thống thang, máng cáp theo các Tiêu chuẩn TCVN 10688; IEC 61537; EN 61537 hoặc NEMA VE1.


Chi tiết liên hệ: 
Trung tâm Thiết bị, Môi trường & An toàn lao động – Viện Vật liệu xây dựng
Địa chỉ: Ngõ 235 đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 024 3.558.5928; 0915.502.834; 0912.181.479; Fax: 024 3.858.1112;
Email: thietbimoitruong.vibm@gmail.com
Website: http://vibm.vn

Trung tâm Thông tin

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả