Quản lý vật liệu nạo vét đường thủy ở Hà Lan – Phần 1

Ngày 06/09/2017 02:57
Hà Lan là đất nước đông dân và có nền công nghiệp phát triển tại đồng bằng các sông Rhine, Meuse, Ems và Scheldt dọc trên bờ biển Bắc. Để duy trì phương thức vận tải đường thủy, trung bình khoảng 30 triệu mét khối trầm tích được nạo vét mỗi năm. Phần lớn trầm tích nạo vét là sạch hoặc ít bị nhiễm bẩn, được tái tập kết tại biển và trên đất liền.

Chưa có ảnh

Hình 1: Khu vực tồn chứa nhấn chìm cô lập vật liệu nạo vét CDF tại Hà Lan

Đặc điểm của vật liệu nạo vét tại các cảng, cửa sông là lẫn nhiều tạp chất, khởi nguồn từ sự phát triển của nền công nghiệp trong quá khứ (chủ yếu từ giai đoạn 1950-1975). Tuy nhiên qua thời gian, khi các nguồn gây ô nhiễm giảm, chất lượng trầm tích cũng được cải thiện tốt hơn. Chính phủ Hà Lan đã nhận thức rõ rằng việc kiểm soát các nguồn thải là điều kiện tiên quyết đối với chiến lược quản lý vật liệu nạo vét. Nếu số lượng nguồn phát thải giảm, chất lượng vật liệu nạo vét càng được cải thiện. Hiện nay, Hà Lan đã có chính sách riêng nhằm mục đích cải thiện chất lượng sao cho vật liệu nạo vét có thể được tái tập kết hoặc tái sử dụng phù hợp với Công ước khung Châu Âu.

Việc biên soạn các văn bản pháp lý quản lý vật liệu nạo vét khá phức tạp do mối liên hệ giữa các chính sách về nước, đất và phế thải. Văn bản pháp lý hiện đang áp dụng được xây dựng dựa trên một số quy định khung của châu Âu như: Công ước về san lấp (EU Landfill Directive), Công ước khung về phế thải (EU Waste Framework Directive) và Công ước khung về nước (EU Water Framework Directive).

Theo chính sách môi trường của Hà Lan, trật tự khuyến cáo sử dụng đối với vật liệu nạo vét có thứ tự ưu tiên như sau: tái tập kết, sử dụng trực tiếp, xử lý để sử dụng hiệu quả và cuối cùng là tồn chứa.

Loại trầm tích hình thành do sự cuốn trôi tự nhiên của dòng chảy từ đất liền ra biển chiếm khoảng ¾ tổng số vật liệu nạo vét. Phần lớn (90%) trầm tích biển này là sạch hoặc ít nhiễm tạp chất và có thể tái tập kết ở biển. Tuy nhiên, chỉ khoảng 30% vật liệu nạo vét sông có thể làm được điều này do nhiễm tạp chất ở mức độ cao và không đủ khoảng trống để làm bãi chứa dọc bờ đường thủy. Văn bản pháp lý quản lý mới hiện đang được soạn thảo, liên quan đến tái tập kết vật liệu nạo vét cả trên đất liền và biển, dựa trên các tiêu chí sinh thái và hóa học, bao gồm cả TBTs (Technical barriers to trade – Quy định rào cản kỹ thuật).

Do trung bình hàng năm đều có lượng vật liệu nạo vét rất lớn đưa vào tái tập kết (khoảng 25 triệu m3/năm) nên một sự thay đổi nhỏ trong khung quy định cũng có thể gây hậu quả lớn đối với lượng vật liệu nạo vét phải xử lý hoặc tồn chứa.

Có hai lựa chọn đối với vật liệu nạo vét nhiễm nhiều tạp chất, đó là: xử lý để sử dụng hiệu quả hoặc tồn chứa. Phần lớn vật liệu nạo vét lẫn tạp chất (2-4 triệu m3/năm) được tồn chứa tại khu vực nhấn chìm cô lập (sub-aquatic confined disposal sites-facilities CDF)  và chỉ khoảng 10% được xử lý để sử dụng hiệu quả.

Các mục đích sử dụng hiện nay đối với vật liệu nạo vét như tái tập kết, xử lý và tồn chứa là do kết quả của các tác nhân như thiếu diện tích, thiếu ngân sách, ảnh hưởng môi trường và áp lực từ dư luận. Điều này gây sự trì trệ trong hoạt động nạo vét, lượng vật liệu nạo vét tồn chứa tăng nhanh mỗi năm, do đó có nguy cơ cao tác động xấu đến sinh thái, kinh tế và ngập lụt. Thực tế cho thấy, các hoạt động nạo vét thực sự cần được tăng cường.

>> Xem tiếp Phần 2

Trung tâm Thông tin (Lược dịch theo Aquatic Sediment Expert Centre)

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả