Thực trạng vật liệu nạo vét – Phần 2

Ngày 08/08/2017 03:49
Về cơ bản, vật liệu nạo vét được phân thành năm loại trầm tích: đá; sỏi và cát; sét kết; bùn hoặc sét lỏng; và hỗn hợp đá, cát, bùn và sét lỏng. Thành phần của hỗn hợp có thể thay đổi hàm lượng tùy thuộc vào tính chất của vật liệu nạo vét.

Chưa có ảnh

Nạo vét cảng tạo luồng thông thoáng (nguồn ảnh: Internet)

Ví dụ về sử dụng vật liệu nạo vét cho các dự án môi trường

Việc sử dụng vật liệu nạo vét cho các dự án môi trường đòi hỏi phải có các thử nghiệm xác định đặc tính lý-hóa của vật liệu. Ngoài ra, các yêu cầu pháp lý cũng phải được tuân thủ. Hiện chưa có các hướng dẫn quốc tế để kiểm tra tính phù hợp của vật liệu, tuy nhiên một số quốc gia đã biên soạn các quy định riêng của mình. Nếu đáp ứng các quy định, vật liệu trầm tích (nạo vét) có thể được sử dụng cho các mục đích:

- Tạo và cải thiện môi trường sống, trong đó bao gồm phục hồi, tái tạo và tái sinh môi trường;

- Tái bồi (sustainable relocation), trong đó vật liệu nạo vét được đưa vào sông hoặc các hệ thống gần bờ một cách thận trọng tại nơi trầm tích đang bị suy kiệt (nhằm bù lại phần bị xói hoặc bị mất).

- Lấp các hố đào trước đó và cải thiện sinh thái;

- Cải thiện chất lượng nước tại các vùng đất ngập nước của các công trình, trong đó sử dụng các quá trình tự nhiên để xử lý nước thải và nước giàu hữu cơ, loại bỏ vi khuẩn và tạp chất kim loại, và trong nhiều trường hợp gia cường sự phát triển các môi trường sống hoang dã và cây ngập nước;

- Thủy canh để xây dựng trang trại nuôi cá lồng gần bờ biển, bổ sung cho cá tự nhiên bị suy kiệt;

- Các mục đích nông nghiệp như: Tạo lớp đất mặt mới và làm giàu dinh dưỡng cho đất;

- Cải tạo các vùng đầm lầy.

Cung ứng vật liệu nạo vét bằng cách nào?

Việc tìm kiếm vật liệu nạo vét trầm tích ở gần các dự án thi công để phục vụ cho các dự án này là nhiệm vụ không dễ. Việc cân đối giữa cung và cầu về vật liệu nạo vét đòi hỏi phải có một chiến lược quản lý toàn diện sớm, mà thời điểm thích hợp nhất là ngay trong giai đoạn thiết kế dự án. Cơ chế phối hợp liên kết giữa khách hàng sử dụng tiềm năng và nhà cung cấp vật liệu nạo vét cũng đòi hỏi phải được chuẩn bị cẩn thận.

Một trong những cơ chế đã được áp dụng thành công là hợp đồng “có thưởng”. Hợp đồng này khuyến khích công ty nạo vét tự tìm kiếm các cơ hội để sử dụng vật liệu nạo vét. Điều cốt lõi của hợp đồng là tạo hiệu quả cho các chủ dự án nạo vét, người sử dụng trong công trình và công ty nạo vét. Để hiệu quả hơn, các điều khoản của hợp đồng nên được phổ biến trước khi đấu thầu.

Những vấn đề nào cần xem xét khi lựa chọn vật liệu nạo vét để sử dụng?

Một số vấn đề quan trọng cần xem xét xem một vật liệu nạo vét có thể đáp ứng cho một mục đích sử dụng là:

- Chất lượng và số lượng của vật liệu nạo vét (các đặc tính hóa học và vật lý phù hợp, phù hợp với môi trường và số lượng phải đủ dùng);

- Khung thời gian và địa chỉ của dự án nạo vét và công trường sử dụng vật liệu nạo vét cần phải phù hợp. Nếu  không trùng nhau về thời gian thì phải có diện tích đất để tạm chứa khi chưa sử dụng, hoặc phải thay đổi thời gian của dự án nạo vét hoặc thời gian khởi công dự án xây dựng cho phù hợp;

- Khu vực nạo vét cũng đóng vai trò quan trọng: vật liệu nạo vét ở gần công trường hoặc ở xa công trường thì cần phương tiện vận chuyển;

- Tính linh hoạt của các dự án cũng có thể cần quan tâm: các dự án xây dựng hoặc dự án môi trường có thể phải thay đổi để đáp ứng các đặc tính của vật liệu nạo vét được cung ứng?

- Các chi phí và lợi nhuận cần được đánh giá cẩn thận.

Vai trò của  nhà đầu tư trong việc sử dụng vật liệu nạo vét

Các nhà đầu tư-chủ công trình thường không sẵn sàng sử dụng vật liệu nạo vét. Do vậy, cần có hướng dẫn để khuyến khích và thúc đẩy hiệu quả sử dụng vật liệu nạo vét; cần có thông tin đại chúng tốt để tạo nhận thức và xây dựng niềm tin giữa ngành công nghiệp, khách hàng, các nhà thực thi luật và chủ đầu tư. Mối lo ngại về tạp chất và các nguy cơ tác động của vật liệu nạo vét đến môi trường sẽ dẫn đến thái độ thờ ơ trong việc sử dụng vật liệu nạo vét. Cách hành xử này có thể thay đổi được thông qua các chính sách, sự giải thích và lắng nghe trước ý kiến của nhà đầu tư, sự quan tâm đến các nguy cơ về môi trường trong thực tế, sự phát triển các chương trình nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư và các cơ quan chính phủ và bằng cách lôi cuốn họ vào giai đoạn sớm của dự án.

Vai trò của ngành công nghiệp nạo vét trong việc sử dụng vật liệu nạo vét

Việc quản lý tốt khía cạnh kỹ thuật của công tác nạo vét sẽ tránh được sự không ổn định trong chất lượng và số lượng vật liệu nạo vét. Việc quản lý này bao gồm các công tác: lên kế hoạch và quản lý trong quá trình thiết kế và các giai đoạn thi công, sự hiểu biết về đặc điểm khu vực có công trình, lấy mẫu và phân tích các vật liệu trầm tích nạo vét. Lợi ích và các nguy cơ liên quan đến môi trường cần phải được hiểu biết thấu đáo, đồng thời việc tìm kiếm, sử dụng vật liệu nạo vét nên được hướng tới công tác bảo vệ môi trường. Việc quan trắc cũng giúp tránh các hậu quả không mong muốn. Truyền thông và thông tin minh bạch sẽ giúp tạo dựng và duy trì lòng tin của cộng đồng.

Các quy định liên quan việc sử dụng vật liệu nạo vét

Công ước London về ngăn ngừa ô nhiễm biển (1972) đưa ra hướng dẫn đánh giá vật liệu nạo vét đổ ra biển. Ngoài ra, các Công ước mang tính khu vực như Công ước OSPAR (2004), Công ước Helsilki (2002), Công ước Barcelona (1976), và Công ước Bucharest (1992) được ban hành liên quan đến vấn đề này. Các Công ước khu vực quy định việc đổ ra biển và yêu cầu phải xem xét các lựa chọn khác ngoài việc đổ vật liệu ra biển. Bằng cách này, các Công ước khuyến khích việc nghiên cứu để sử dụng vật liệu nạo vét. Thực tế, chỉ có một số ít các quốc gia đã biên soạn các quy định về việc sử dụng vật liệu nạo vét. Thay mặt nhà nước, một số cơ quan được thành lập để quản lý bờ biển, vùng biển, nông nghiệp và thủy sản, các vùng bảo tồn thiên nhiên, và tái tạo thiên nhiên.

Các quy định pháp lý có thể khuyến khích sử dụng vật liệu nạo vét?

Về cơ bản, việc coi vật liệu nạo vét như phế thải là thiếu hiểu biết. Chính điều này là nguyên nhân gây ra nên những trở ngại không cần thiết khi xin giấy phép sử dụng vật liệu nạo vét. Trở ngại thường là đòi hỏi phải tăng cường các chương trình quan trắc, thậm chí ngay cả khi những thử nghiệm trước đó đã khẳng định việc sử dụng vật liệu nạo vét là phù hợp thiết kế. Chính rào cản này làm tăng chi phí và thời gian đối với việc sử dụng vật liệu nạo vét theo chiến lược quản lý vật liệu này. Sự thiếu hiểu biết và những rào cản xuất phát từ sự thiếu hiểu biết đã chống lại sự phát triển bền vững.

Tình trạng thiếu các quy định pháp lý cụ thể trong việc sử dụng vật liệu nạo vét cũng gây nên sự phức tạp cho quá trình tìm tòi cách thức để sử dụng vật liệu nạo vét. Nếu không có các quy định pháp lý hoặc nếu các quy định quốc gia, tỉnh và chính quyền địa phương không hoàn chỉnh thì có thể dẫn đến tình huống rối mù. Đôi khi, các quy định pháp lý còn mâu thuẫn lẫn nhau.

Quy định pháp lý coi vật liệu nạo vét như nguồn tài nguyên - chứ không phải là phế thải- phải được khuyến khích ở mọi cấp chính quyền. Cần sửa đổi các quy định pháp lý liên quan đến việc phân loại vật liệu nạo vét như một loại vật liệu phế thải. Ngoài ra, các quy định pháp lý phải hỗ trợ cho việc kiểm tra nguồn nạo vét theo một chiến lược nhằm chế tạo được vật liệu nạo vét có chất lượng cao hơn và khối lượng nhiều hơn để có thể sử dụng ngay mà không cần phải qua xử lý trước. Cần kiểm soát nguồn nạo vét tốt hơn, lẫn ít hơn tạp chất hơn để vật liệu nạo vét có cơ hội được sử dụng trong các chương trình phát triển dài hạn và bền vững.

Sử dụng vật liệu nạo vét như nguồn tài nguyên luôn là giải pháp phù hợp?  

Trái với các quan niệm thông thường, phần rất lớn vật liệu nạo vét trên thế giới khác biệt không đáng kể so với các trầm tích tự nhiên ở sông ngòi, trầm tích cửa sông và biển. Trong nhiều trường hợp, vật liệu nạo vét thực chất là các trầm tích được hình thành theo dòng chảy của sông, hoặc trầm tích ở bờ biển do hoạt động của sóng biển. Trong trường hợp này, việc đưa vật liệu nạo vét này vào vị trí thích hợp (các vị trí bị xói mòn) trong hệ thống trầm tích có thể là phù hợp hơn. Nếu vật liệu nạo vét là phần xói (lở) hay bồi đắp của hệ thống trầm tích thì việc sử dụng vật liệu nạo vét để tái tạo vị trí (relocation) cần phải được xem xét cẩn thận trên các khía cạnh môi trường và xây dựng.

Có đáng hay không khi phải nỗ lực mới có thể sử dụng vật liệu nạo vét?

Đổ thải và tồn chứa vật liệu nạo vét vẫn là một trong các điểm tranh luận khó khăn nhất khi xây dựng các kế hoạch cho dự án nạo vét. Việc coi vật liệu nạo vét như nguồn tài nguyên và tìm cách phù hợp để sử dụng nó sẽ làm thay đổi nhận thức về vật liệu nạo vét và thường dẫn đến các trường hợp các bên cùng có lợi (win-win). Công tác nạo vét cảng, vịnh, luồng vận tải thủy để phục hồi giá trị gia tăng của bờ biển, tạo dựng môi trường sống tự nhiên mới hoặc tạo thêm giá trị sử dụng mới cho vật liệu nạo vét là việc làm cần thiết.

Cách tiếp cận toàn diện về kinh tế và môi trường mà ở đó vật liệu nạo vét được đưa vào sử dụng sẽ góp phần làm cho hệ thống được phát triển bền vững hơn. Các nguồn tài nguyên ban đầu như cát biển được dự trữ. Do vậy, việc xây dựng chiến lược quản lý, sử dụng vật liệu nạo vét như một nguồn tài nguyên là rất đáng để cố gắng. Công tác này dù chứa đựng nhiều thách thức, nhưng thường là có thể thực hiện được. Cũng như câu ngạn ngữ nói: “Khi có nguyện vọng (chính trị), sẽ có cách”.

>> Xem Phần 1

Trung tâm Thông tin (Lược dịch theo IADC)

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?



OK  Kết quả