Tình hình phát sinh và sử dụng thạch cao phế thải tại Việt Nam

Ngày 30/11/2016 10:04
Thạch cao FGD (flue gas desulfuazation) công nghiệp nhiệt điện

Chưa có ảnh

Thạch cao khuôn phế thải

Tình hình phát sinh:

Thạch cao FGD được thu hồi từ nhà máy nhiệt điện bằng  công nghệ khử lưu huỳnh trong khí thải đốt than bằng đá vôi hoặc bằng nước biển.

Kết quả điều tra các nguồn phế thải công nghiệp (PTCN) làm vật liệu xây dựng (VLXD), tính đến năm 2016, lượng thạch cao phế thải FGD phát sinh khoảng 311.179 tấn.

Hiện trạng sử dụng:

Trong tổng số 12 nhà máy nhiệt điện đốt theo công nghệ đốt than phun (PC) có 7 nhà máy nhiệt điện trang bị hệ thống thu hồi thạch cao FGD phân bố từ bắc vào Nam, tuy nhiên tình trạng tiêu thụ sản phẩm thạch cao FGD của các nhà máy này khác nhau. Nguyên nhân chính của là do chất lượng thạch cao thu hồi chưa ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu làm phụ gia sản xuất xi măng nên một số nhà máy cho hệ thống hoạt động cầm chừng và chờ tiêu thụ sản phẩm, có nhà máy có trang bị hệ thống thu hồi nhưng không đưa vào hoạt động, có nhà máy có hệ thống nhưng không đầu tư công đoạn xử lý ẩm và kho chứa sản phẩm,...

Thạch cao bã thải phospho-gyps (PG) hóa chất phân bón

Tình hình phát sinh:

Hiện nay, tồn tại 3 Nhà máy có phát sinh nguồn phế thải PG lớn, gồm có: Nhà máy DAP của Công ty Cổ phần (CP) DAP Đình Vũ tại Hải Phòng, Công ty CP DAP số 2 tại Lào Cai và tại Công ty CP hóa chất phân bón Đức Giang – Lào Cai. Tổng lượng phát sinh thạch cao phế thải PG hàng năm phát sinh khoảng 1,96 triệu tấn.

Hiện trạng sử dụng:

Bã thải PG chưa được đầu tư nghiên cứu, sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực sản xuất VLXD. Hiện có 03 công ty đã đầu tư tái chế bã thải PG làm phụ gia cho xi măng gồm:

Công ty CP Sông Đà Cao Cường đang đầu tư xây dựng nhà máy thạch cao Đình Vũ nằm ngay cạnh bãi thải của nhà máy, với công suất hiện tại 70.000 tấn/năm, giai đoạn sau tổng 600.000 tấn/năm.

Nhà máy thạch cao Duy Nhất (nằm trong khuôn viên bãi thải nhà máy hóa chất Đức Giang – Lào Cai), đầu tư dây chuyền xử lý bã thải làm thạch cao nhân tạo làm phụ gia xi măng với công suất 24.000 tấn/năm. 

Công ty CP Phát triển hóa chất Yên bái sử dụng bã thải PG từ quá trình sản xuất axit phosphoric của công ty DAP Đình Vũ làm phụ gia thay thế một phần thạch cao tự nhiên trong sản xuất xi măng của nhà máy xi măng Yên Bình, bã thải PG sử dụng 13.000 tấn/năm. Nhìn chung việc tiêu thụ thạch cao nhân tạo PG của các nhà máy còn gặp nhiều khó khăn, các nhà máy xi măng chủ yếu vẫn chỉ sử dụng thử nghiệm loại thạch cao nhân tạo này.

Thạch cao khuôn phế thải sản xuất gốm sứ

Tình hình phát sinh:

Theo các kết quả điều tra nguồn PTCN làm VLXD, lượng thạch cao phế thải khuôn trong sản xuất gốm sứ ở nước ta hàng năm phát sinh khoảng 33.122 tấn/năm (năm 2015), trong đó gồm phần lớn khuôn thạch cao trong sản xuất sứ xây dựng và một lượng nhỏ trong sản xuất sứ dân dụng.

Hiện trạng sử dụng:

Thạch cao khuôn phế thải của các nhà máy sản xuất sứ xây dựng và sứ dân dụng hầu như đều được bán cho các đơn vị thu mua với giá rẻ và chúng được sử dụng vào các lĩnh vực sau:

- Làm phụ gia cho sản xuất xi măng: Thạch cao khuôn phế thải của các nhà máy gốm sứ đều đủ điều kiện làm phụ gia điều chỉnh đông kết cho xi măng. Hầu hết các nhà máy sản xuất gốm sứ ở khu vực phía Bắc có bán các khuôn phế thải cho các chủ thầu mua với giá 120.000đ - 200.000đ/tấn khuôn thải, và được bán lại cho các nhà máy xi măng có công suất vừa và nhỏ.

- Tại các tỉnh khu vực phía Nam, thạch cao khuôn phế thải được thu mua và phân loại. Loại khuôn tại các nhà máy sứ vệ sinh có chất lượng cao đơn vị thu mua bán lại cho các đơn vị tái chế làm chất kết dính thạch cao bán cho các đơn vị sản xuất gốm sứ tại các làng nghề gốm sứ, còn lại cung cấp cho các đơn vị sản xuất phân bón làm nguyên liệu.

Các thuân lợi và khó khăn trong việc sử dụng thạch cao phế thải làm VLXD

Thạch cao FGD nhà máy nhiệt điện và bã thải PG nhà máy hóa chất phân bón, việc sử dụng trong sản xuất VLXD còn gặp nhiều khó khăn như:

- Thạch cao thu hồi có chất lượng thấp (hàm lượng SO3 thấp, không ổn định, độ ẩm cao), chưa đáp ứng được yêu cầu làm phụ gia xi măng và làm nguyên liệu sản xuất tấm trần, tấm tường,...

- Bã thải PG làm nguyên liệu sản xuất VLXD chưa được sử dụng phổ biến do: chưa có nghiên cứu sâu về ảnh hưởng của nó đến chất lượng, độ bền lâu của xi măng và bê tông; Chưa có tiêu chuẩn, hướng dẫn sử dụng  FGD và PG làm VLXD.

Trung tâm Thông tin

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả