VIBM: Làm việc với Giáo sư Shunsuke Hanehara – Trường Đại học IWATE – Nhật Bản

Ngày 25/11/2016 08:35
Ngày 24/11/2015, Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) đã có buổi làm việc với GS.TS. Shunsuke Hanehara của trường Đại học IWATE – Nhật bản. Phía Việt Nam có PGS.TS. Lương Đức Long – Viện trưởng VIBM và các chuyên gia thuộc lĩnh vực xi măng và bê tông tham dự.

Chưa có ảnh

Toàn cảnh buổi làm việc với GS.TS. Shunsuke Hanehara tại VIBM

GS.TS. Shunsuke Hanehara đã trình bày chuyên đề nghiên cứu về sự hình thành ettringite muộn trong bê tông xi măng. Theo GS. Hanehara, ettringite được hình thành muộn (sau khoảng từ 200 ngày thuỷ hoá xi măng đến 10 năm hoặc lâu hơn nữa) trong bê tông làm xuất hiện các vết nứt, suy giảm cường độ và có thể phá huỷ kết cấu bê tông. Các điều kiện thuận lợi để hình thành ettringite muộn là: Sự tồn tại trong xi măng một lượng lớn ion SO4-2; nhiệt độ bê tông trong giai đoạn đầu thuỷ hoá, đóng rắn cao (trên 70oC); bê tông làm việc trong môi trường có độ ẩm lớn.

Đã có nhiều công trình bê tông cốt thép tại Mỹ, Nhật Bản, Anh, Italy, Thái Lan bị phá huỷ do hình thành ettringite muộn. Các nghiên cứu và khảo sát thực tế cho thấy, bê tông sử dụng xi măng có hàm lượng C3A cao, xi măng cường độ ban đầu cao, dưỡng hộ bê tông bằng hơi nước nóng, tiềm ẩn nguy cơ bị phá huỷ do hình thành ettringite muộn khá lớn.

Những loại bê tông sử dụng xi măng xỉ hạt lò cao và tro bay ít hoặc không bị phá huỷ do hình thành ettringite muộn. Sự kết hợp giữa phản ứng kiềm – cốt liệu và hình thành ettringite muộn làm tăng thêm nguy cơ phá huỷ bê tông ở tuổi dài ngày. Trên cơ sở các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thực tế sử dụng bê tông trong thời gian dài, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra các quy định chặt chẽ đối với hàm lượng kiềm và sulfat trong xi măng cũng như nhiệt độ dưỡng hộ bê tông tối đa cho phép nhằm ngăn ngừa sự hình thành ettringite muộn để bảo đảm độ bền lâu của bê tông công trình.

Ở Việt Nam, vấn đề ăn mòn và phá huỷ bê tông xi măng do hình thành ettringite muộn trong bê tông làm việc trong môi trường xâm thực sulfate đã được nghiên cứu và quy định trong các tiêu chuẩn. Tuy nhiên, vấn đề phá huỷ bê tông làm việc trong môi trường nước do hình thành ettringite muộn khi xi măng chứa hàm lượng ion SO4-2 cao và nhiệt độ bảo dưỡng bê tông khi đóng rắn cao là rất mới. PGS.TS. Lương Đức Long cho rằng chuyên đề do GS. Hanehara trình bày rất mới và bổ ích đối với các nghiên cứu viên của VIBM và mong sẽ được hợp tác với phía Nhật Bản để tiếp tục nghiên cứu về độ bền lâu của bê tông trong điều kiện sản xuất và sử dụng ở Việt Nam.  

Một số hình ảnh trong buổi làm việc tại VIBM:



PGS.TS. Lương Đức Long phát biểu tại buổi làm việc


Trung tâm Thông tin

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?



OK  Kết quả