Nghiệm thu Dự thảo tiêu chuẩn “Vật liệu chịu lửa không định hình - Phương pháp thử” và “Vữa chịu lửa - Phương pháp thử”

Ngày 13/07/2015 03:47
Ngày 9/7/2015, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng Khoa học kỹ thuật (KHKT) chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu Dự thảo Tiêu chuẩn “Vật liệu chịu lửa không định hình - Phương pháp thử” mã số TC 86-14, và “Vữa chịu lửa - Phương pháp thử” mã số TC 87-14 do Viện Vật liệu Xây dựng chủ trì thực hiện. TS. Nguyễn Trung Hòa - Vụ trưởng Vụ KHCN & Môi trường, Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.

Báo cáo về kết quả nghiên cứu của đề tài, thay mặt nhóm nghiên cứu ThS. Nguyễn Thị Kim đã tóm tắt sự cần thiết cũng như quá trình triển khai thực hiện đề tài. Dự thảo TCVN…2015 “Vật liệu chịu lửa không định hình - Phương pháp thử” được chuyển dịch hoàn toàn từ ISO 1927:2012, bao gồm 5 phần:

- Xây dựng các phương pháp lấy mẫu thử nghiệm của các loại sản phẩm chịu lửa không định hình. Ngoài ra còn xây dựng cách rút gọn mẫu bằng các phương pháp như: Phương pháp chia tư, phương pháp sử dụng thiết bị máng chia, phương pháp sử dung thiết bị phân chia cơ khí.

- Xây dựng các phương pháp xác định đặc tính khi nhận mẫu. Để xác định đặc tính của vật liệu phải xác định các tính chất sau: Thành phần hóa, thành phần hạt, độ ẩm và tính công tác.

- Xây dựng phương pháp xác định độ lưu động của các loại bê tông chịu lửa, bao gồm các phương pháp sau: Phương pháp xác định độ lưu động của bê tông cách nhiệt, phương pháp xác định độ lưu động của bê tông bằng bàn dằn, phương pháp xác định độ lưu động của bê tông sít đặc bằng bàn rung, phương pháp xác định độ lưu động của bê tông tự chảy.

- Xây dựng các phương pháp chuẩn bị và xử lý mẫu thử của các sản phẩm chịu lửa không định hình. Các mẫu thử sau khi được chuẩn bị bằng các phương pháp như đầm rung, chọc, đúc bằng thiết bị đầm cát, máy ép thủy lực, máy nén khí sẽ được xử lý mẫu.

- Xây dựng các phương pháp xác định các tính chất cơ lý khác nhau của sản phẩm. Các phương pháp được xây dựng là: Xác định độ bền nén, độ bền uốn tại nhiệt độ thường; Xác định khối lượng thể tích, độ xốp; Xác định độ co nở phụ sau nung; Xác định độ bền uốn tại nhiệt độ cao; Xác định nhiệt độ biến dạng dưới tải trọng. 

Tương tự, Dự thảo TCVN …2015 ”Vữa chịu lửa - Phương pháp thử” được xây dựng trên cơ sở chuyển dịch ISO 13765:2004, gồm 04 phần sau:

- Xây dựng phương pháp xác định độ lưu động của vữa chịu lửa bằng thiết bị xuyên côn. Độ cắm sâu của côn tiêu chuẩn vào trong mẫu là độ lưu động của vữa.

- Xây dựng phương pháp xác định độ lưu động của vữa chịu lửa bằng bàn dằn. Độ lưu động của vữa chịu lửa được xác định bằng cách đo độ tăng của đường kính mẫu khi chịu tác động cơ học lên xuống bằng bàn dằn.

- Xây dựng phương pháp xác định độ ổn định mạch vữa bằng cách gắn kết 2 viên gạch chịu lửa bằng vữa chịu lửa, sau đó di chuyển bằng tay một viên gạch này so với viên gạch khác mà không bị phá vỡ mạch.

- Xác định cường độ uốn bám dính bằng cách gắn kết 2 nửa viên gạch chịu lửa với vữa chịu lửa tạo thành một mẫu thử hình lăng trụ. Sau khi sấy và nung, đặt tải trọng lên mẫu thử với tốc độ tăng dần đều cho đến khi bề mặt gắn kết bị phá hủy.

Nhận xét về kết quả của đề tài, các chuyên gia phản biện và thành viên của Hội đồng nghiệm thu đều đánh giá cao tính cấp thiết của các đề tài và chuyên môn cao của nhóm biên soạn trong việc chuyển dịch khối lượng lớn tài liệu. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đề nghị nhóm tác giả cần lưu ý về cách chuyển ngữ, bố cục, trình bày của các Dự thảo cho đúng quy định của một văn bản tiêu chuẩn.

Phát biểu kết luận cuộc họp nghiệm thu, TS.Nguyễn Trung Hòa lưu ý nhóm biên soạn hoàn chỉnh các đề tài trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp trước tháng 8/2015, để các tiêu chuẩn sớm được ban hành, đáp ứng nhu cầu thực tế ngành sản xuất vật liệu xây dựng của Việt Nam.

Hai đề tài trên đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua với kết quả xếp loại xuất sắc.

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả