Tận dụng tro, xỉ, thạch cao để sản xuất VLXD – Giải pháp mang tính chiến lược

Ngày 05/05/2015 04:30
Ngày 23/9/2014,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD).

Chưa có ảnh

Ảnh minh họa

Những mục tiêu mà Quyết định đề ra cũng như thực tế nghiên cứu, triển khai cho thấy: việc tận dụng tro, xỉ, thạch cao để sản xuất VLXD là giải pháp hiệu quả đem lại lợi ích kinh tế và góp phần đáng kể vào công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Theo các kết quả khảo sát, nghiên cứu của Viện VLXD, tổng lượng tro xỉ nhiệt điện tại Việt Nam trong năm 2015 dự báo đạt khoảng 5,57triệu tấn và đến năm 2030 sẽ là 35,5 triệu tấn. Các lĩnh vực sử dụng tro xỉ nhiệt điện chủ yếu là:

- Làm phụ gia cho xi măng (tỷ lệ tro xỉ thay thế xi măng trung bình từ 20%-40% tuỳ thuộc vào loại xi măng);

- Làm phụ gia cho chế tạo bê tông đầm lăn (RCC):hiện nay có 10 dự án thủy điệntrong nước đang áp dụng công nghệ RCC với tổng khối lượng bê tông đắp đập là 12,6 triệu m3, nhu cầu phụ gia tro bay từ 1,7 - 2,6 triệu m3;

- Làm phụ gia cho bê tông đúc sẵn và xây dựng thủy lợi;

- Làm đường giao thông: tỉ lệ thay thế tối thiểu là 5% khối lượng vật liệu làm đường, riêng xây dựng giao thông đường bộ hàng năm có thể tiêu thụ khối lượng tro xỉ tối thiểu khoảng 1.754.000 tấn/năm trong vòng 15 năm (đến 2030);

- Làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung, bê tông nhẹ, bê tông chưng áp tỷ lệ sử dụng tới 15% theo khối lượng.

- Làm nguyên liệu thay thế đất sét trong sản xuất gạch nung (tỷ lệ sử dụng tới 70% theo khối lượng)

- Làm nguyên liệu thay thế đất sét trong sản xuất xi măng.

Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp VLXD, đến năm 2020 tầm nhìn 2030, nhu cầu thạch cao để sản xuất VLXD trong nước là 5-6 triệu tấn. Trong khi đó, nước ta không có mỏ thạch cao và phải nhập hoàn toàn từ Lào, Thái Lan, Trung Quốc… Nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện đốt than đều lắp đặt hệ thống khử SOx theo công nghệ FGD đồng bộ kỹ thuật hiện đại thì mỗi năm nước ta có thể thu hồi 4-5 triệu tấn thạch cao nhân tạo, có chất lượng tốt làm phụ gia cho xi măng và làm tấm tường, tấm trần thạch cao.

Với lợi ích kinh tế cao, giảm thiểu được những tác động xấu đến môi trường, Quyết định 1696/QĐ-TTg được coi là một giải pháp mang tính chiến lược, tạo tư duy mới, coi chất thải từ sản xuất điện, hóa chất, phân bón là nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp sản xuất VLXD. Tuy nhiên, để tính hiệu quả của chiến lược được phát huy và đi vào cuộc sống thì cần có sự chung tay của các Bộ, ngành cũng như của toàn cộng đồng xã hội và doanh nghiệp.

Trung tâm Thông tin (Tổng hợp)

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?



OK  Kết quả