Hội thảo “Phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, sức khoẻ trong sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng”

Ngày 28/11/2023 05:50
Ngày 28/11/2023, tại Hà Nội, Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) tổ chức Hội thảo “Phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, sức khoẻ trong sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng”, được thực hiện theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Tham dự Hội thảo có đại diện của Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các Viện nghiên cứu, các Hội, Hiệp hội chuyên ngành vật liệu xây dựng (VLXD). TS. Vũ Văn Dũng - Phó Viện trưởng VIBM chủ trì Hội thảo.

Chưa có ảnh

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Vũ Văn Dũng nhận định Hội thảo là một phần nội dung quan trọng gắn với nhiệm vụ nghiên cứu về lĩnh vực sự nghiệp môi trường của VIBM. Các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN có mã số RD 06-23; MT 06-22; MT 07-22; MT 11-22. Nhóm nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu, trình bày dự thảo các quyết định và hướng dẫn, sau đó xin ý kiến qua các góp ý, trao đổi, thảo luận của các đại biểu dự Hội thảo để hoàn thiện các nội dung của đề tài; hoàn thiện các Dự thảo trên, cũng như đề xuất hướng phát triển tiếp theo của Đề tài trong thời gian tới.

Tại Hội thảo các diễn giả đã trình bày 4 nội dung chính: Dự thảo kế hoạch thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) của lĩnh vực ngành xây dựng; Dự thảo Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch và biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường trong SX VLXD; Đánh giá phát thải ô nhiễm từ các chất hóa học cho nhóm sản phẩm VL gỗ tự nhiên, VL gỗ nhân tạo (Công nghiệp) làm VL nội thất và công trình công cộng, từ đó đề xuất định mức phát thải cho nhóm sản phẩm để kiểm soát chất lượng nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng; Dự thảo hướng dẫn đánh giá vòng đời sản phầm (LCA) cho các sản phẩm vật liệu xây dựng.

Trình bày tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Tâm cho biết, để giảm nhẹ phát thải KNK lĩnh vực xây dựng cần có kế hoạch phân công nội dung, nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng và xác định danh mục các nhiệm vụ ưu tiên được đề ra trong Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/5/2022 nhằm đạt được mục tiêu của Bộ Xây dựng đến năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính tối thiểu 74,3 triệu tấn CO2 tương đương (CO2td) so với kịch bản phát thải thông thường (BAU) đối với các lĩnh vực trong phạm vi quản lý ngành Xây dựng (Các quá trình công nghiệp, tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng, Tòa nhà).

TS. Lê Thị Song chia sẻ, hướng dẫn nêu ra các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với các sự cố xảy ra trong quá trình sản xuất VLXD bao gồm xi măng, sứ vệ sinh, kính xây dựng, gách ốp lát, gạch không nung, vôi công nghiệp; hướng dẫn không áp dụng cho các sự cố môi trường xảy ra do thiên tai tại các cơ sở sản xuất VLXD. Việc ứng phó với các sự cố xảy ra do thiên tai được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai; Hướng dẫn này áp dụng tại các đơn vị sản xuất VLXD trong toàn quốc và các đơn vị có liên quan nhằm mục đích đề phòng và ứng phó với các sự cố tình trạng khẩn cấp có thể xảy ra hoặc đã xảy ra như cháy, nổ, nhằm chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại, khắc phục sự cố tránh tác động của chúng đến môi trường và sức khỏe con người.

Đề xuất định hướng giảm phát thải cho nhóm sản phẩm vật liệu gỗ tự nhiên, vật liệu gỗ nhân tạo (công nghiệp) làm vật liệu nội thất, công trình công cộng để kiểm soát chất lượng nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, ThS. Trần Thu Hà cho biết, quy định bắt buộc áp dụng Quy chuẩn QCVN 16:2023/BXD có hiệu lực từ 1/1/2024 đã có quy định mức phát tán formadehyde đối với 3 loại sản phẩm ván gỗ đó là: Ván sợi; Ván dăm và gỗ ghép thanh.

Một số giải pháp cho hệ thống các tiêu chuẩn, thử nghiệm, chứng nhận:

Đối với hệ thống các tiêu chuẩn Quốc gia TCVN, cần xem xét: Phạm vi áp dụng của TCVN 13181:2020 bao gồm cả phạm vi áp dụng của TCVN 7753 đó là quy định các mức chất lượng cho sản phẩm ván sợi – ván MDF sản xuất theo phương pháp khô. Đối với Tiêu chuẩn ván sàn gỗ công nghiệp TCVN 11943:2018 (ISO 14486:2012) Ván sàn nhiều lớp - Yêu cầu kỹ thuật - cần bổ sung thêm quy định hàm lượng formaldehyde phát tán.

Định kỳ soát xét tiêu chuẩn TCVN đối với các sản phẩm gỗ, có xem xét định mức mức phát thải thấp E0 (theo hướng khuyến khích áp dụng) để có cơ sở định hướng sản xuất và kiểm tra khi có yêu cầu với những dòng sản phẩm phát thải thấp. Sau thời gian áp dụng Quy chuẩn QCVN 16:2023/BXD cần có phân tích đánh giá và định hướng soát xét để hướng tới quy định kiểm soát ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu và hàng sản xuất có phát thải cao lưu thông trên thị trường.

Đối với hệ thống thử nghiệm, đề nghị các PTN xem xét đầu tư bổ sung các thiết bị để thử nghiệm và kiểm định theo đủ các phương pháp.

Đối với hoạt động chứng nhận và dán nhãn xanh cho sản phẩm, cần xây dựng bộ tiêu chí nhãn xanh và quy định chứng nhận dán nhãn xanh đối với nhóm sản phẩm gỗ nhân tạo.

ThS. Cao Thị Tú Mai cho biết, cần nêu ra các nội dung, phương pháp, quy trình để thực hiện đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA) cho sản phẩm VLXD phù hợp với điều kiện Việt Nam; hướng dẫn không tách rời, thay thế các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến đánh giá vòng đời sản phẩm đã ban hành trong nước và quốc tế; hướng dẫn áp dụng cho các cá nhân, đơn vị, tổ chức muốn thực hiện đánh giá vòng đời sản phẩm VLXD nhằm xác định các vấn đề môi trường chính, xem xét các biện pháp kiểm soát, cải tiến sản xuất,… với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ môi trường.

Sau phần trình bày của các diễn giả, các chuyên gia, đại biểu, khách mời đã tích cực trao đổi, thảo luận, thẳng thắn góp ý về những vấn đề đang được quan tâm, góp phần đưa ra giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, sức khoẻ con người trong sản xuất và sử dụng VLXD.

Sau buổi chiều làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, Hội thảo “Giảm phát thải khí nhà kính, Bảo vệ môi trường, sức khoẻ trong sản xuất, sử dụng VLXD” đã hoàn thành nội dung, mục tiêu theo Chương trình đề ra. Hội thảo đã nghe 4 Báo cáo của 4 nhiệm vụ nghiên cứu KHCN liên quan và nhận được nhiều các ý kiến góp ý, trao đổi, thảo luận hưu ích. Chủ trì Hội thảo đề nghị nhóm đề tài tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến thảo luận, góp ý tại Hội thảo để hoàn thiện các sản phẩm của Đề tài.

Một số hình ảnh khác tại Hội thảo: 



Thu Hằng

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả