Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng

Ngày 19/10/2023 06:01
Ngày 18/10/2023, tại trụ sở chính Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) diễn ra Hội thảo "Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng" do VIBM phối hợp với Công ty TNHH Edeec, Doanh nghiệp xã hội Công trình bền vững Việt Nam (SBVN) và Sen Vàng Group tổ chức.

Chưa có ảnh

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Công Thịnh - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (KHCN&M); đại diện Hội Vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN), Vụ KHCN các ngành Kinh tế kỹ thuật, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Viện Chiếu sáng và nhà thông minh; đại diện cộng đồng RealCom; Công ty KPMG; các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông.


PGS.TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng VIBM phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng VIBM cho biết, trong những năm gần đây cơ chế chính sách của Nhà nước về công trình xanh đã được ban hành khá đầy đủ, bao gồm Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã đặt ra mục tiêu Giảm cường độ phát thải KNK / GDP đến năm 2030 ít nhất 15%, đến năm 2050 ít nhất 30% so với năm 2014; Thúc đẩy các chương trình dán nhãn năng lượng, nhãn sinh thái, nhãn xanh (tiêu chuẩn, tiêu chí, hướng dẫn đánh giá, chứng nhận); Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030;  Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm 2050; Quyết định số 1677/QĐ-BXD ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Kế hoạch hành động của BXD về sử dụng năng lượng tiết kiệm vàb hiệu quả; Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả đã quy định những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc tuân thủ khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo lại các công trình xây dựng dân dụng (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, thương mại, dịch vụ, chung cư) có tổng diện tích sàn trêm 2500m2.

Vì vậy, số lượng công trình xanh tại Việt Nam đã ghi nhận theo chiều hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước (năm 2022 có khoảng 200 công trình xanh; năm 2023 có khoảng hơn 300 công trình xanh). Đó là sự chuyển biến tích cực cho thấy sự chỉ đạo từ các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước đã tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp của ngành xây dựng phát triển công trình xanh và đạt được kết quả tích cực.

Tuy nhiên, PGS. TS Lê Trung Thành cũng đánh giá việc phát triển công trình xanh Việt Nam hiện nay vẫn còn không ít doanh nghiệp phân vân về việc đầu tư phát triển các công trình xanh và lo ngại về chi phí tăng cao, khó khăn trong việc tìm kiếm các VLXD tiết kiệm năng lượng, thiếu nguồn nhân lực am hiểu về vật liệu ứng dụng trong công trình xanh. Để công trình xanh tại Việt Nam được phát triển hơn nữa về số lượng, cũng như chất lượng, việc tìm ra các giải pháp khắc phục các vấn đề này là rất quan trọng. 

Tổ chức Công trình xanh thế giới đã khẳng định, công trình xanh phải thỏa mãn ít nhất 3 nhóm yếu tố chủ đạo: sử dụng năng lượng hiệu quả; sử dụng VLXD hiệu quả, hạn chế dùng nguồn tài nguyên thiên nhiên, thay vào đó chúng ta nên dùng các vật liệu tái chế phế thải của các ngành công nghiệp/sinh hoạt để đưa ra các chủng loại sản phẩm vật liệu cho công trình; chất lượng công trình xanh phải có không khí trong lành cho toà nhà, nâng cao sức khoẻ, hiệu suất làm việc của người sống trong toà nhà.


Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường - Bộ Xây dựng Nguyễn Công Thịnh phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo đã nghe các diễn giả trình bày nội dung về “Vật liệu cách nhiệt – xu hướng sử dụng cho công trình xanh an toàn, bền vững; thiết bị và phương pháp xác định các chỉ tiêu kỹ thuật liên quan”; “Giải pháp tổng thể nhằm giảm chi phí đầu tư cho công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng”; “Giới thiệu Chương trình Công trình bền vững Việt Nam”; “Chiến lược xanh – phát triển bền vững cho doanh nghiệp bất động sản”; “Kính tiết kiệm năng lượng”.

Các bài trình bày trên tập trung vào các yếu tố liên quan đến việc phát triển dự án, từ chiến lược định hướng ban đầu, đến thiết kế, lựa chọn vật liệu, phương án tài chính, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến... nhằm giúp chủ đầu tư xây dựng thành công các dự án xanh, dự án hiệu quả năng lượng với mức chi phí đầu tư không tăng lên. Các giải pháp này không chỉ áp dụng cho các công trình xây dựng mới, mà có thể mang lại hiệu quả cho các công trình đang vận hành, mong muốn thực hiện cải tạo năng lượng. Ngoài ra, các diễn giả cũng chia sẻ về các dự án điển hình đã áp dụng thành công các công cụ và kỹ thuật mới, nhằm đạt được công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng với mức chi phí tối ưu nhất.

Giải pháp tổng thể cho việc phát triển công trình xanh bền vững

Để khẳng định vị thế của công trình xanh trong chu kỳ phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng, Chủ đầu tư nên nắm rõ việc sử dụng các vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng và hướng tới thực hiện Net Zero Energy nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư, chi phí vận hành. Một trong những yếu tố quan trọng để làm nên các công trình xanh hiệu quả là VLXD phải tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và có thể tái chế sử dụng.

Chia sẻ tại Hội thảo, ThS. Tạ Đắc Quý - Chuyên gia VIBM nhận định, công trình xanh đang dần trở thành xu hướng toàn cầu, mang lại nhiều giá trị dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản. Vì vậy, sẽ là thiếu sót nếu cộng đồng doanh nghiệp không thực hiện chuyển đổi xanh cho các công trình của mình. Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng vật liệu cách nhiệt/vật liệu xanh đang ngày càng được quan tâm và sử dụng rộng rãi vì những lợi ích mà vật liệu này mang lại.

Vật liệu cách nhiệt (VLCN) giúp không gian trở nên mát mẻ, thoáng đãng giúp duy trì sức khỏe tốt và tâm lý thoải mái; ngăn cản tác động của tia UV giúp bảo vệ làn da cũng như sức khỏe con người; ngăn cản tối đa nhiệt lượng ảnh hưởng vào trong nhà từ đó giúp tiết kiệm 20-30% điện năng tiêu thụ mỗi tháng từ các thiết bị làm mát như quạt máy, điều hòa; ngoài khả năng chống nóng tốt, các loại VLCN hiện nay khá đa dạng mẫu mã giúp giữ được tính thẩm mỹ của công trình, phù hợp với nhiều vị trí khác nhau trong công trình xây dựng; Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều, dễ gây thấm nước, ẩm mốc tường nhà. VLCN đảm bảo được các yếu tố không hút nước hoặc cản nước nên giữ được sự bền đẹp cho công trình xây dựng. Đồng thời, vật liệu này có tuổi thọ cao và có thể tái chế, không phát thải các khí độc hại ra môi trường.


Ông Trần Thành Vũ - Giám đốc Công ty TNHH EDEEC cho rằng, chi phí đầu tư công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng luôn luôn là câu hỏi đầu tiên của các nhà đầu tư khi có ý định thực hiện các sản phẩm bất động sản bền vững, thân thiện môi trường. Điều này cho thấy, chi phí đầu tư đang là một trong những yếu tố gây cản trở đến việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam hiện nay. Việc xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng không thực sự làm tăng chi phí đầu tư nếu các Chủ đầu tư biết sử dụng VLXD phù hợp, lựa chọn phương án tài chính hợp lý và đặc biệt là biết sử dụng mô hình dự báo vận hành công trình đúng cách, tiến tới thực hiện Net Zero Energy.


Đại diện doanh nghiệp tiên phong trong việc phát triển các sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng, ông Trần Quốc Khánh - Công ty Kính nổi Viglacera cho biết, sản phẩm kính Low-E và kính Solar Control có khả năng cách nhiệt, cản nhiệt, kiểm soát tốt năng lượng từ bức xạ mặt trời truyền vào nhà, qua đó góp phần tiết kiệm năng lượng tiêu thụ của hệ thống điều hòa không khí lên đến 69%, ngăn đến 99% tia UV, tạo ra không gian sống thoải mái và bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng.  Khi sử dụng VLXD tiết kiệm năng lượng nói chung và kính tiết kiệm năng lượng nói riêng, các công trình sẽ tiết kiệm được lượng lớn các năng lượng tiêu thụ. Điều này cho thấy, chi phí đầu tư và chi phí vận hành sẽ giảm đi đáng kể nên không còn lo ngại về chi phí tăng cao trong việc phát triển công trình xanh.


Giải pháp giúp Chủ đầu tư phát triển hiệu quả các công trình xanh, bà Lê Phương Anh, Giám đốc chương trình Sustainable Building Vietnam (SBVN) - Công trình bền vững Việt Nam đề xuất, các Chủ đầu tư nên lắp kính low-e với thông số SHGC cụ thể cho toàn bộ công trình. Nếu Chủ đầu tư các dự án không sử dụng tường bê tông kết hợp với tối ưu hệ thống HVAC, dự án sẽ tiết kiệm được gần 4 tỷ đồng tiền điện/năm. Bà Lê Phương Anh cho biết thêm, trong giai đoạn 2023-2025, SBVN sẽ hỗ trợ miễn phí kỹ thuật cho 01 dự án, để dự án đó có thể trở thành Toà nhà cân bằng năng lượng (Zero Energy Building) đầu tiên tại Việt Nam.


Đại diện doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu công trình xanh, bà Nguyễn Bích Ngọc - Giám đốc Sen Vàng Group chia sẻ, chỉ có cây xanh thì không phải là công trình xanh mà công trình xanh là phải xanh từ vật liệu, xanh từ không gian sống, xanh từ năng lượng, vận hành… Vì vậy, cần phân biệt rõ chứng chỉ xanh và công trình xanh. Bởi chứng chỉ xanh không phải là tất cả. Theo bà Ngọc, thông thường các công trình xanh hiện nay chỉ được thể hiện chủ yếu ở khâu thiết kế và xây dựng. Tuy nhiên, để là một công trình xanh đúng nghĩa, Chủ đầu tư cần xây dựng chiến lược xanh bền vững, thể hiện rõ từ khâu đầu cho đến khâu cuối trong quy trình phát triển dự án của mình bao gồm chuẩn bị phương án đất đai, hạ tầng, phát triển sản phẩm, triển khai sản xuất, triển khai bán hàng, vận hành quản lý sau bán hàng cho đến khâu cuối cùng là quản lý sản phẩm khi đi vào sử dụng.

Hội thảo đã có nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự ở các góc nhìn khác nhau và đã góp phần làm rõ hơn về chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Đây là diễn đàn chuyên môn rất có ý nghĩa, gắn kết các Viện nghiên cứu, Trường đại học, các Cơ quan tư vấn, các Doanh nghiệp, các nhà sản xuất VLXD trong các hoạt động phát triển công trình xanh. 

Một số hình ảnh tại Hội thảo:





Thu Hằng

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả