Viện trưởng VIBM làm việc với Tổng biên tập ICR về tình hình xi măng thế giới và Việt Nam

Ngày 07/04/2023 05:55
Ngày 6/4/2023, PGS. TS Lê Trung Thành Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) đã có buổi làm việc với Mr Thomas Armstrong, Tổng biên tập tạp chí International Cement Review về tình hình công nghệ, sản xuất, tiêu thụ xi măng tại Việt Nam và trên thế giới, đồng thời cũng đưa ra những dự báo về thị trường ngành xi măng trong thời gian tới. Tham dự buổi làm việc có TS. Lưu Thị Hồng – Phó Viện trưởng VIBM, lãnh đạo và nghiên cứu viên các Trung tâm Xi măng và Bê tông, Thiết bị môi trường và An toàn lao động, Tư vấn và Dịch vụ kỹ thuật xây dựng, Nghiên cứu chiến lược phát triển VLXD.

Chưa có ảnh

Tại buổi làm việc, VIBM đã giới thiệu về các hoạt động gần đây của ngành xi măng ở Việt Nam. Tính đến thời điểm Quý I/2023, Việt Nam có 88 dây chuyền lò nung clanhke xi măng với tổng công suất thiết kế là 114,4 triệu tấn/năm, trong đó tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc với 55 dây chuyền. Do tác động của hậu đại dịch Covid và khủng hoảng kinh tế bởi chiến tranh Nga – Ukraine và thị trường bất động sản trầm lắng nên sản lượng tiêu thụ xi măng của Việt Nam năm 2022 giảm 14% so với năm 2021, trong đó giảm rõ nét nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu (giảm 33% so với năm 2021).

Ngành xi măng của Việt Nam đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ sử dụng các nguyên nhiên vật liệu thay thế (có nguồn gốc từ phế thải các ngành công nghiệp như: tro bay, xỉ thép, đá xít, xỉ hạt lò cao, thạch cao nhân tạo…) để thay thế các nguyên vật liệu truyền thống cho sản xuất clanhke và sản xuất xi măng. Việc nghiên cứu, tái sử dụng các phế thải ngành da giầy, may mặc để làm nhiên liệu cho sản xuất clanhke xi măng cũng đã được áp dụng thành công tại một số dây chuyền, tỷ lệ sử dụng nhiên liệu thay thế trung bình khoảng 3 %. Đối với việc tận dụng nhiệt khí thải để phát điện, đã có 28 dây chuyền lắp đặt hệ thống WHR với tổng công suất khoảng 191,4 MW.

Về tình hình tiêu chuẩn xi măng trong thời gian tới, VIBM đang biên soạn một số tiêu chuẩn xi măng theo hệ thống BS EN 197, tiến tới hội nhập và tương đồng với hệ thống tiêu chuẩn xi măng của Châu Âu.

Về phía International Cement Review, Mr Thomas Armstrong đã giới thiệu thông tin cập nhật về tình hình thị trường xi măng trên toàn thế giới. Nhìn chung, thị trường xi măng thế giới từ năm 2018 đến nay đang có chiều hướng suy giảm tiêu thụ do chủ yếu một số nguyên nhân về lạm phát tăng cao, giá xi măng tăng cao, xuất hiện bóng dáng bong bóng bất động sản, dư thừa công suất và các quy định cắt giảm khí thải CO2 ngày càng khắt khe hơn. Năm 2022, nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn thế giới giảm 5,4%, trong đó đóng góp lớn bởi sự giảm mức tiêu thụ xi măng của Trung Quốc (lên tới 10,8%). Dự báo cho năm 2023, theo các chuyên gia phân tích, nhu cầu tiêu thụ xi măng trên toàn thế giới sẽ chỉ tăng 0,2%. Đối với khu vực Đông Nam Á, dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2023 ở một số thị trường chính như Malaysia (tăng 2,2%), Nhật (tăng 0,3%), Thái lan (tăng 1,8%), Indonexia (tăng 2,6%), Việt Nam (tăng 3,5%), Philippine (tăng 3,3%), chỉ có Pakistan (giảm 8%).

Đối với mục tiêu giảm phát thải cácbon và tiến tới “net zero CO2” dây chuyền sản xuất chỉ có thể đóng góp giảm 56% (bao gồm công đoạn sản xuất clanhke (11%); công đoạn sản xuất xi măng (9%); thu giữ cacbon tại nhà máy (36%)), phần còn lại sẽ nằm ở các sản phẩm bê tông và trong quá trình thiết kế, xây dựng các công trình.

Số liệu khảo sát tại 25 nhà máy xi măng điển hình trên thế giới trong năm 2021 cho thấy lượng phát thải CO2 giảm 6 kgCO2/t từ 627 kgCO2/t năm 2020 xuống 621 kgCO2/t vào năm 2021, cá biệt có những nhà máy xi măng đã đạt mức phát thải CO2 dưới 600 kgCO2/t. VD: Dalmia Cement (489), Shree (530), Holcim (550), CHR Heidelberg (560), CEMEX Intercement (585). Các nhà máy xi măng nói chung đều đặt mục tiêu cắt giảm phát thải CO2 xuống mức dưới 550 kgCO2/t trước năm 2030.

Tỷ lệ sử dụng nhiên liệu thay thế trung bình đạt 18,3%, có thể đạt 35-40% vào năm 2030; Tỷ lệ sử dụng clanhke để sản xuất xi măng đạt 76,4 %, có thể đạt 70% vào năm 2030. Tuy nhiên cũng có các nhà máy đã sản xuất xi măng với tỷ lệ clanhke rất thấp, VD: Dalmia Cement (Ấn Độ) đạt tỷ lệ 61,3% năm 2021. Các phụ gia khoáng thay thế xi măng đã được sử dụng bao gồm tro bay, xỉ lò cao nghiền mịn, bột đá vôi, silica fume, đất sét nung non nghiền mịn,…

Tiêu hao nhiệt năng trung bình ở mức 3557 MJ/t clanhke năm 2021 (tăng nhẹ so với 3547 MJ/t clanhke năm 2020), cá biệt có nhà máy xi măng Ultratech đạt tiêu hao nhiệt năng chỉ 3034 MJ/t clanhke. Tiêu hao nhiệt năng của các nhà máy xi măng chủ yếu phụ thuộc vào sử dụng công nghệ lò nung, preheater và calciner. Một số nhà máy cũng đã áp dụng hiệu quả các giải pháp số hóa, tối ưu hoá công nghệ bằng trí tuệ nhân tạo, cùng với thử nghiệm nhiên liệu hoá lỏng ôxy, thu giữ cacbon CCS, … để đạt mục tiêu giảm hiệu suất nhiệt xuống 3400 MJ/t clanhke vào năm 2030.

Tiêu thụ điện trung bình ở mức 97,6 kWh/t xi măng năm 2021, phụ thuộc vào công nghệ nghiền, tỷ lệ clanke và độ mịn xi măng. Nếu tiếp tục đầu tư công nghệ nghiền để nâng cao hiệu quả thì có thể đạt mức trung bình 90 kWh/t xi măng vào trước năm 2030.

Các chuyên gia International Cement Review dự báo giá xi măng sẽ tăng mạnh khi áp chi phí phát thải CO2, có thể lên đến 60 EUR/t vào năm 2030 và lên đến 100 EUR/t và thậm chí còn cao hơn vào năm 2045 tại châu Âu. Vì vậy, công nghệ sản xuất xi măng phải chuyển đổi từ các giải pháp “giảm thiểu CO2” hiện nay sang các giải pháp “cắt giảm hoàn toàn CO2” sau năm 2030.

Cũng trong buổi làm việc, Mr Thomas Armstrong, Tổng biên tập tạp chí International Cement Review cũng đã giới thiệu Hội thảo quốc tế rất lớn về “Xi măng châu Á cắt giảm phát thải CO2 trong quá trình sản xuất để tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn” sẽ diễn ra trong các ngày 25 – 28 tháng 6 năm 2023 tới đây tại khách sạn Melia Hà Nội, do International Cement Review tổ chức cùng với sự bảo trợ của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA). Dự kiến có khoảng 250 chuyên gia và các nhà sản xuất xi măng trên thế giới sẽ tập trung tại hội thảo này để thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các công nghệ cắt giảm phát thải CO2 trong sản xuất xi măng tiên tiến nhất trên thế giới, từ các công nghệ sử dụng nhiên liệu thay thế, sản xuất xi măng hỗn hợp đến các hệ thống số hoá và các công nghệ lưu trữ cacbon mới nhất.

Tổng biên tập tạp chí International Cement Review cũng đã trao đổi và thống nhất với Viện trưởng VIBM về các hợp tác sắp tới để đưa nhiều chuyên gia xi măng thế giới đến trao đổi và làm việc với VIBM, chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm sản xuất và sử dụng xi măng trong xây dựng, đóng góp vào phát triển bền vững lĩnh vực công nghiệp xi măng của Việt Nam.

International Cement Review Magazine là Tạp chí nối tiếng thế giới, trụ sở đặt tại Vương quốc Anh, tập hợp được các thành viên là các chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực xi măng, chuyên xuất bản các báo cáo đánh giá công nghệ, dự báo về thị trường xi măng thế giới, các khu vực và các quốc gia. International Cement Review Magazine đồng thời xuất bản 2 ấn phẩm thường xuyên được tái bản và sử dụng rộng rãi trong ngành xi măng là Sổ tay vận hành nhà máy xi măng và Sổ tay môi trường nhà máy xi măng. Thường xuyên, International Cement Review Magazine quản trị website Cemnet.com chuyên cập nhật tin tức hàng ngày về các vấn đề liên quan đến vật liệu xi măng, tổ chức các webinars đào tạo chuyên ngành sâu về phân tích thị trường và các giải pháp công nghệ tiên tiến trong sản xuất xi  măng và tổ chức nhiều sự kiện lớn, hội thảo quốc tế tại nhiều nước trên thế giới về ngành công nghiệp xi măng.

Website: https://www.cemnet.com/Publications/international-cement-review

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:


Viện trưởng VIBM và Tổng biên tập tạp chí International Cement Review
chụp ảnh cùng bộ bàn ghế bê tông in 3D được nghiên cứu phát triển tại VIBM

Viện trưởng VIBM giới thiệu với Tổng biên tập Tạp chí International Cement Review
sản phẩm nhà bảo vệ bê tông in 3D được nghiên cứu phát triển tại VIBM

Trung tâm Đào tạo, Truyền thông & HTQT

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả