VIBM: Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023

Ngày 12/01/2023 07:29
Tham dự Hội nghị có ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng; Ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Thái Duy Sâm – nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (VIBM), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội VLXD Việt Nam; ông Đinh Quang Huy – Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam; ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hội xi măng Việt Nam; cùng Ban lãnh đạo VIBM, Trưởng và Phó các đơn vị, Ban Thanh tra nhân dân, Chủ trì ĐT-DA và hợp đồng dịch vụ, BCH Công đoàn, BCH Đoàn TN của VIBM và Giám đốc Công ty Cổ phần VLXD tính năng cao (HIMAT).

Chưa có ảnh

PGS.TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng VIBM phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, PGS.TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng VIBM đã báo cáo tóm tắt các kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch công tác năm 2023 của VIBM, cụ thể như sau:

Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Bộ Xây dựng, sự phối hợp, giúp đỡ  của các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng và sự đoàn kết, nỗ lực của toàn thể viên chức và người lao động, VIBM đã vượt qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 để cơ bản hoàn thành kế hoạch các nhiệm vụ đã đề ra và tuân thủ đầy đủ các nội dung được Bộ Xây dựng giao thực hiện trong Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ tại Quyết định số 28/QĐ-BXD ngày 20/01/2022.

Năm 2022, khối lượng công việc của VIBM bao gồm hai nhóm chủ yếu là hoạt động nghiên cứu KHCN và hoạt động dịch vụ KHCN đã đảm bảo đầy đủ cho toàn bộ viên chức và người lao động (VC&NLĐ). Công tác nghiên cứu phục vụ quản lý nhà nước được đẩy mạnh, ngày càng đa dạng, đáp ứng nhiều nhiệm vụ của Bộ Xây dựng do Chính phủ giao. Năm 2022, VIBM thực hiện 56 nhiệm vụ KHCN gồm: 04 đề tài cấp Nhà nước, 29 đề tài RD/SNKT/SNMT, 23 dự án xây dựng tiêu chuẩn TCVN, quy chuẩn.

Các đề tài cấp Nhà nước bao gồm: Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng bê tông nhẹ cường độ cao trên cơ sở hạt vi cầu từ tro bay và phụ gia nano cho công trình dân dụng và công nghiệp (Nghị định thư với Nga); Nghiên cứu công nghệ tái chế polyurethane phế thải làm vật liệu cách nhiệt (Nghị định thư với Hàn Quốc); Hoàn thiện công nghệ sản xuất xi măng alumin sử dụng chất thải công nghiệp làm nguyên liệu; và Nghiên cứu sử dụng tro xỉ nhiệt điện thay thế cốt liệu tự nhiên để chế tạo tấm tường rỗng bê tông nhẹ đúc sẵn. Các nghiên cứu KHCN cấp Bộ tập trung vào chế tạo kính siêu trắng làm pin năng lượng mặt trời, men chống hấp thụ nhiệt cho ngói gốm nung, chất kết dính thân thiện môi trường trong sản xuất ván gỗ nhân tạo; sử dụng đá vôi chất lượng thấp để sản xuất clanhke xi măng; chế tạo phụ gia hóa học cho bê tông sử dụng cát biển và nước biển; sử dụng phế thải vỏ hàu, ốc, sò để làm nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng…;

Đồng thời, các nghiên cứu phục vụ quản lý nhà nước bao gồm: Nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung QCVN 16:2019/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực vật liệu xây dựng và cơ khí xây dựng (Thực hiện Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ); Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về viên xây, kính xây dựng, tro bay, xác định phát thải khí nhà kính; Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, quy trình, thử nghiệm dán nhãn năng lượng cho một số sản phẩm, vật liệu xây dựng; Tham gia nghiên cứu xây dựng Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghiên cứu, xây dựng và số hóa cơ sở dữ liệu lĩnh vực vật liệu xây dựng; Điều tra hiện trạng và đánh giá phát thải ô nhiễm từ các chất hóa học cho nhóm sản phẩm vật liệu gỗ tự nhiên, vật liệu gỗ nhân tạo (công nghiệp) làm vật liệu nội thất và công trình công cộng, từ đó đề xuất định mức phát thải cho nhóm sản phẩm để kiểm soát chất lượng nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng; Điều tra khảo sát đánh giá nguy cơ sự cố môi trường và đề xuất kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng (Xi măng, gạch gốm ốp lát, kính, vôi, sứ vệ sinh, vật liệu xây nung); Điều tra, khảo sát, xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Bộ Xây dựng năm 2022; Xây dựng bộ dữ liệu, hướng dẫn đánh giá vòng đời (LCA) cho một số sản phẩm vật liệu xây dựng ở Việt Nam; Điều tra, khảo sát và đề xuất hoàn thiện quy định sử dụng amiăng trong sản xuất vật liệu xây dựng trên cơ sở Điều 8, Nghị định 09/2021/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng; Điều tra, khảo sát tình hình sử dụng vật liệu trong các công trình xây dựng theo quy định của QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật về an toàn cháy cho nhà và công trình; đề xuất cơ chế chính sách tăng khả năng sử dụng vật liệu xây dựng cho An toàn cháy của nhà và công trình; Điều tra, khảo sát các nguồn chất thải công nghiệp làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

VIBM cũng đã tích cức tham gia góp ý dự thảo các Nghị định, Thông tư của Nhà nước trong hoạt động nghiên cứu khoa học và quản lý nhà nước lĩnh vực VLXD; Thực hiện công tác kiểm định, chứng nhận chất lượng hợp chuẩn, hợp quy các sản phẩm VLXD phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và sản xuất của các doanh nghiệp.

Các nhiệm vụ KHCN đều kết thúc và được nghiệm thu cấp Bộ đúng hạn Hợp đồng. Điều đó thể hiện sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện trong năm qua. Chất lượng các đề tài, dự án đều được các hội đồng nghiệm thu đánh giá cao. Hầu hết các đề tài, dự án được ứng dụng trong thực tế sản xuất, phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Hoạt động dịch vụ KHCN của Viện đã góp phần quan trọng vào việc cung cấp thông tin cho công tác quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng để kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD lưu thông trên thị trường, cũng như kiểm soát chất lượng VLXD sử dụng cho các công trình lớn, có ý nghĩa chính trị quốc gia. Hầu hết các thí nghiệm đánh giá chất lượng các sản phẩm vật liệu mới, vật liệu đặc thù sử dụng trong công trình xây dựng đều do Viện VLXD thực hiện như dự án đường bộ cao tốc đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và đoạn Bùng – Vạn Ninh, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tỉnh Phú Yên, dự án Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, dự án Nhiệt điện Quảng Trạch, nhiệt điện Nhơn Trạch,...

Các phòng thí nghiệm của VIBM ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng đã tham gia tích cực vào việc kiểm tra và chứng nhận chất lượng sản phẩm VLXD theo các Thông tư của Bộ Xây dựng và QCVN 16:2019/BXD. Năm 2022, các phòng thí nghiệm đã thực hiện phân tích thí nghiệm hơn 7.000 mẫu thử nguyên liệu và sản phẩm VLXD trên cả nước. Ngoài các thí nghiệm theo tiêu chuẩn Việt Nam, các PTN của Viện còn thực hiện được hầu hết các thí nghiệm theo tiêu chuẩn phương pháp thử tiên tiến như: ISO, EN, BS, JIS, ASTM,... Qua công tác thí nghiệm kiểm chứng và đánh giá, so sánh giữa các phòng thí nghiệm đều cho thấy kết quả phân tích của Viện VLXD có độ chính xác và độ lặp lại cao. VIBM đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường số hiệu VIMCERTS 315, số 36/GCN-BTNMT cấp ngày 19 tháng 10 năm 2022 và được Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cấp Chứng nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động theo giấy phép số 499/MT-LĐ ngày 16 tháng 9 năm 2022. Cũng trong năm vừa qua, VIBM đã ban hành Quyết định về việc công bố và quản lý Nhãn xi măng xanh và Nhãn năng lượng cho sản phẩm vật liệu xây dựng nhằm giúp các doanh nghiệp có điều kiện khẳng định tính chất xanh, tiết kiệm năng lượng của sản phẩm và thể hiện trách nhiệm với môi trường, xã hội.

Công tác dịch vụ kỹ thuật, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất cũng đã đóng vai trò kết nối hai chiều giữa nghiên cứu và sản xuất, sử dụng VLXD. Thông qua hoạt động dịch vụ, sản xuất, kinh doanh Viện cũng thu được nhiều thông tin về nhu cầu thực tiễn của sản xuất và đời sống, góp phần tích cực vào việc xây dựng định hướng hoạt động và xác định các đề tài nghiên cứu cụ thể cho Viện. Năm 2022, Viện đã thực hiện tư vấn đầu tư, thiết kế cơ sở cho một số nhà máy sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, cũng như nghiên cứu, tư vấn công nghệ cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp như Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố; VICEM Hoàng Mai, VICEM Hạ Long, xi măng Nghi Sơn, xi măng INSEE, công ty Xuân Thiện- Ninh Bình, Nhà máy DAP Đình Vũ và Lào Cai,…

Dịch vụ KHCN là hoạt động quan trọng, trực tiếp nâng cao thu nhập cho VC&NLĐ của Viện và tạo điều kiện để có tích lũy, phát triển Viện. Doanh thu và lợi nhuận từ dịch vụ KHCN hàng năm giúp Viện đảm bảo tự chủ về tài chính theo mô hình tổ chức KHCN tự đảm bảo chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Về công tác tổ chức – hành chính, trong năm 2022 VIBM đã lập đề án và thành lập Trung tâm Đào tạo, Truyền thông và Hợp tác quốc tế trên cơ sở kiện toàn lại phòng Kế hoạch - Kỹ thuật và Hợp tác quốc tế. Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo đúng quy định. VIBM luôn chú trọng tìm kiếm và đào tạo đội ngũ cán bộ chất lượng cao. Năm 2022 VIBM tuyển dụng và ký hợp đồng làm việc với 10 lao động; cử 96 lượt CBVC đi đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ.

Trong năm 2022, Viện đã tích cực, chủ động thực hiện công tác đối ngoại; thường xuyên duy trì trao đổi qua tất cả các kênh thông tin nhằm phối hợp với các đối tác thực hiện các chương trình/dự án, triển khai thực tế các nội dung văn bản thỏa thuận hợp tác đã ký một cách hiệu quả nhất. Các lĩnh vực hợp tác được mở động và đi vào chiều sâu: liên kết đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn, nghiên cứu khoa học, sản xuất, lắp đặt thử nghiệm các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, quan trắc môi trường, phát triển thị trường sản phẩm; tổ chức các hội nghị hội thảo khoa học quốc tế,... Viện đã tiếp đón hơn 20 đoàn đối tác nước ngoài đến thăm và làm việc tại Viện, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế như hội nghị về “Ứng dụng vật liệu tái chế” giữa Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) và Viện nghiên cứu ứng dụng xây dựng Weimar (IAB) CHLB Đức; Hội nghị khoa học thường niên về VLXD ASCMC 2022; Hội thảo về VLXD tại Tuần lễ công trình xanh; Đồng tổ chức với Đại học quốc gia Seoul Hàn Quốc Hội nghị quốc tế lần thứ 5 về Xây dựng và Kiến trúc" và "Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về Đào tạo và Đổi mới kỹ thuật" tại Hà Nội thu hút khoảng 100 bài viết đến từ hơn 20 quốc gia.

Trong năm 2022, Tạp chí Vật liệu và Xây dựng - (ISSN 1859-381X) và Journal of Materials and Construction (ISSN 2734-9438) được xét duyệt vào Danh mục Tạp chí khoa học được tính điểm năm 2022 của các Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành với các mức điểm như sau: Hội đồng Giáo sư liên ngành Xây dựng – Kiến trúc: 0 – 0,75 điểm; Hội đồng Giáo sư ngành Thuỷ lợi: 0 - 0,5 điểm; Hội đồng Giáo sư liên ngành Giao thông vận tải: 0 – 0,25 điểm; Hội đồng Giáo sư liên ngành Hoá – Công nghệ thực phẩm: 0 – 0,25 điểm.

Đây là sự ghi nhận của các Hội đồng Giáo sư chuyên ngành với những nỗ lực phát triển tạp chí của VIBM nói chung, của Ban Biên tập Tạp chí Vật liệu và Xây dựng – Journal of Materials and Construction nói riêng và cũng là động lực để Tạp chí tiếp tục nâng cao chất lượng hướng tới tính chuyên nghiệp, dần đáp ứng các tiêu chí cao nhất của Hội đồng Giáo sư nhà nước cũng như tiêu chí đánh giá của các cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín.

Đảng bộ VIBM đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 2022. Kết thúc năm, Đảng ủy VIBM đã bám sát văn bản hướng dẫn, triển khai đánh giá cán bộ, đảng viên và thực hiện công tác tổng kết hoạt động năm 2022 theo quy định.

Công tác Công đoàn và Đoàn TN cũng phối hợp tổ chức thành công các hoạt động gắn với từng sự kiện và thời gian theo kế hoạch.

Về kế hoạch công tác năm 2023, VIBM tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ để xây dựng VIBM trở thành trung tâm khoa học đầu ngành của cả nước, có năng lực nghiên cứu ở trình độ cao với đội ngũ cán bộ khoa học giỏi, các phòng thí nghiệm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đưa ngành VLXD hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đảng ủy và Lãnh đạo VIBM cùng toàn thể VC&NLĐ quyết tâm thực hiện Kế hoạch 2023 với các nhiệm vụ trọng tâm và cụ thể như sau:

- Công tác nghiên cứu KHCN, VIBM đã đăng ký nhiệm vụ theo chức năng; đề xuất đề tài, dự án KHCN cấp quốc gia: 03 nhiệm vụ; đề xuất đề tài, dự án KHCN cấp Bộ và Sở KHCN: 32 nhiệm vụ; Tích cực đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp Viện.

- Công tác nghiên cứu phục vụ quản lý Nhà nước: thực hiện các đề án Chiến lược phát triển VLXD giai đoạn 2021-2030 cho các địa phương; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực vật liệu xây dựng và cơ khí xây dựng; nghiên cứu phát triển vật liệu mới, vật liệu tiết kiệm năng lượng, nghiên cứu tái chế, tái sử dụng phế thải làm nguyên liệu và nhiên liệu thay thế trong sản xuất VLXD; nghiên cứu KHCN để phát triển bền vững, nâng cao năng suất chất lượng, giảm tiêu hao năng lượng và giảm phát thải, bảo vệ môi trường trong ngành công nghiệp sản xuất VLXD; nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành VLXD; VLXD cho biển đảo... Thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng Bộ Xây dựng giao năm 2023.

- Hoạt động dịch vụ năm 2023, VIBM phấn đấu doanh thu tăng trưởng trên 15% so với năm 2022.

- Công tác thông tin, truyền thông và hợp tác quốc tế: Tiếp tục duy trì, phát triển hạ tầng mạng CNTT, vận hành và khai thác hiệu quả hệ thống phòng họp trực tuyến, hệ thống điện thoại tổng đài IP và các phần mềm CSDL; Tăng cường hoạt động ứng dụng CNTT trong hoạt động phục vụ quản lý, từng bước theo kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Tiếp tục duy trì, phát triển nội dung Cổng Thông tin của VIBM, đảm bảo thương hiệu hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ của VIBM được quảng bá rộng rãi đến bạn đọc và những người quan tâm trong và ngoài nước; Tích cực tìm kiếm, kết nối với các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện các chương trình quảng bá thông tin trên các phương tiện truyền thông và tại các sự kiện khoa học, hội nghị, hội thảo;

Để hoàn thành tốt kế hoạch năm 2023, VIBM tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như sau: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo VIBM (LĐV), có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các đoàn thể trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn; Tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy chế cho phù hợp với tình hình mới nhằm nâng cao hiệu lực quản lý của VIBM, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường hơn nữa tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ cán bộ tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, nhất là các nghiên cứu viên trẻ, đồng thời thu hút cán bộ nghiên cứu khoa học có trình độ cao, có kinh nghiệm về làm việc để đáp ứng yêu cầu phát triển VIBM và hội nhập quốc tế; Cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao hiệu quả lao động, thực hiện phối hợp tốt giữa LĐV, lãnh đạo các đơn vị và cá nhân trong VIBM tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn VIBM; Tiếp tục kiện toàn bộ máy cơ cấu tổ chức tại một số đơn vị thuộc VIBM cho phù hợp với tình hình thực tiễn. VIBM sẽ tập trung sắp xếp lại vị trí việc làm theo hướng ngày càng chuyên môn hóa, tinh gọn hơn để tạo điều kiện phát huy năng lực, sở trường của cán bộ, viên chức VIBM; Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tăng cường tiếp xúc, làm việc với các đối tác lớn trong và ngoài nước, tăng tính chuyên nghiệp của hoạt động kinh doanh, tăng số lượng sản phẩm dịch vụ, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu; Tiếp tục cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại trụ sở chính tại Hà Nội, Phân viện VLXD miền Nam và cơ sở 2 tại Hà Nam nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của VIBM.    

Sau khi nghe báo cáo của VIBM, ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ VLXD và các vị khách mời đã đánh giá cao những nỗ lực cũng như những kết quả đạt được của VIBM trong năm 2022, khẳng định VIBM đã và đang làm tốt vai trò là cầu nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong và ngoài nước ở lĩnh vực VLXD. Đồng thời cũng đưa ra một số góp ý trong năm tới, VIBM nên tiếp tục đề xuất với Bộ những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tạo ra sản phẩm phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về VLXD của Bộ và các đề tài có tính ứng dụng cao trong thực tế. Ngoài ra, VIBM cần rà soát, cập nhật thông tin, bổ sung cho cơ sở dữ liệu về sản phẩm hàng hoá và khoáng sản về VLXD. Các vị khách mời đã ghi nhận thông tin, cùng chia sẻ niềm vui về kết quả đạt được trong năm 2022 vừa qua của VIBM, chúc VIBM tiếp tục phát triển, đạt được kế hoạch đề ra trong năm 2023.

Bế mạc Hội nghị, PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng VIBM đã cảm ơn những ý kiến đóng góp của các vị khách mời, đồng thời đề nghị Tập thể VC&NLĐ VIBM tiếp tục duy trì sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch công tác năm 2023 góp phần phát triển VIBM ngày càng vững mạnh.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng phát biểu tại Hội nghị

Tin/Ảnh: Thu Hằng

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?



OK  Kết quả