VIBM-WEIMAR: Trao đổi khoa học về “Ứng dụng vật liệu tái chế”

Ngày 16/09/2022 04:44
Ngày 12/9/2022, Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) và Viện nghiên cứu ứng dụng xây dựng Weimar (IAB) đã tổ chức buổi trao đổi khoa học về “Ứng dụng vật liệu tái chế” tại trụ sở VIBM.

Chưa có ảnh

Tham dự buổi trao đổi, về phía VIBM có sự tham dự của PGS. TS. Lê Trung Thành – Viện trưởng VIBM, TS. Lưu Thị Hồng – Phó Viện trưởng VIBM, cùng Trưởng/Phó các đơn vị liên quan và các nghiên cứu viên quan tâm. Về phía đoàn Weimar có sự tham gia của TS. Ulrich Palzer – Chủ tịch IAB Weimar; TS. Barbara Leydolph – Phó Viện trưởng IAB Weimar, TS. Robert Böhm – Giám đốc điều hành Universalbau, ông Christian Siegert – Giám đốc kỹ thuật Universalbau, ông Dieter Keller – Giám đốc điều hành Hiệp hội bê tông nhẹ Đức.

Tham dự buổi trao đổi còn có sự hiện diện của ông Tống Văn Nga – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội VLXD Việt Nam; TS. Thái Duy Sâm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội VLXD Việt Nam, nguyên Viện trưởng VIBM; ông Lê Văn Tới - nguyên Vụ trưởng Vụ VLXD; PGS. TS. Trần Quốc Dũng – Tổng Hội xây dựng Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Hùng Phong, Phó Trưởng khoa đào tạo sau đại học- Trường đại học Xây dựng Hà Nội; bà Đào Thị Hương Lan - Chủ tịch Hội doanh nghiệp quận Long Biên; cùng đại diện một số đơn vị, doanh nghiệp quan tâm.

Phát biểu khai mạc, PGS. TS Lê Trung Thành nhấn mạnh buổi trao đổi là diễn đàn khoa học mang ý nghĩa thực tiễn giới thiệu các kết quả nghiên cứu về vật liệu tái chế. Để hiểu hơn về hoạt động của 2 bên, IAB Weimar và VIBM đã cùng giới thiệu về lĩnh vực hoạt động và các thành tựu đạt được. Ngoài ra, TS. Ulrich Palzer cũng trình bày một số nghiên cứu tại Đức về ứng dụng vật liệu tái chế.

Trình bày về khả năng ứng dụng chế biến chất thải xây dựng thành hạt cốt liệu nhẹ ứng dụng trong xây dựng, TS. Barbara khẳng định đây là nghiên cứu có ý nghĩa trong việc giảm thiểu sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên giúp bảo vệ môi trường và tạo ra hệ vật liệu mới làm đa dạng nguồn vật liệu xây dựng. Ngoài ra, TS. Barbara còn giới thiệu thiết bị và quy trình xử lý chất thải xây dựng trở thành hạt cốt liệu nhẹ để tạo ra bê tông, vữa, gạch nhẹ, đất trồng cây, vật liệu lọc nước, thay thế cát, đá, sỏi trong xây dựng và gia cố nền đất mà vẫn đảm bảo các thông số kỹ thuật của hạt cốt liệu.

Tại Châu Âu, hiện chỉ có một mỏ khoáng sản duy nhất cung cấp nguồn nguyên liệu để sản xuất cốt liệu nhẹ cho bê tông và theo tính toán thì mỏ chỉ có thể đáp ứng sản xuất trong 20 đến 30 năm nữa. Do đó, các nghiên cứu về vật liệu thay thế của Weimar IAB để sản xuất ra hạt cốt liệu nhẹ có vai trò vô cùng quan trọng với nền sản xuất vật liệu xây dựng ở Đức nói riêng và Châu Âu nói chung. Một trong số những ứng dụng rộng rãi nhất của hạt bê tông nhẹ là dùng để sản xuất bê tông nhẹ. Tại buổi trao đổi, ông Keller đã giới thiệu về quy trình sản xuất bê tông nhẹ từ hạt cốt liệu nhẹ trong nhà máy. Ông Keller cũng nhấn mạnh khả năng cách âm của bê tông nhẹ cao gấp 2 lần bê tông truyền thống và phế thải của các công trình xây dựng được làm từ bê tông nhẹ có thể tái sử dụng 100% để tạo ra hạt cốt liệu nhẹ góp phần tạo nên công trình xây dựng xanh.

Tại Việt Nam, hiện cũng đã có nhiều nghiên cứu tận dụng nguồn phế thải công nghiệp, xây dựng làm vật liệu xây dựng. Từ năm 2016, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã hợp tác cùng Weimar IAB và Công ty TNHH Chế tạo máy AML tiến hành nghiên cứu sản xuất hạt cốt liệu nhẹ từ phế thải công trình xây dựng. Giới thiệu kết quả nghiên cứu tại buổi trao đổi, PGS. TS. Nguyễn Văn Tuấn khẳng định việc tạo ra hạt nhẹ từ phế thải công trình xây dựng là hoàn toàn khả thi ở Việt Nam và từ đó có thể ứng dụng để sản xuất tấm tường, gạch không nung, gạch nhẹ,…

Theo báo cáo của Ths. Tạ Văn Luân – Trung tâm Xi măng và Bê tông (VIBM), VIBM hiện đã và đang tiến hành 37 nghiên cứu sử dụng đa dạng các nguồn phế thải công nghiệp, xây dựng như tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao, xỉ thép, phế thải luyện thép, thạch cao nhân tạo, phế thải phá dỡ công trình,… làm vật liệu xây dựng. Các kết quả nghiên cứu này đã được ứng dụng vào thực tiễn trong công nghệ chế tạo xi măng bền sun phát, xi măng xỉ, xi măng đa cấu tử, xi măng hàm lượng clanhke thấp (<60%), xi măng siêu ít clanhke, vật liệu gia cố đất, xi măng alumin; Công nghệ sử dụng tro bay hàm lượng MKN cao làm nguyên liệu sản xuất clanhke xi măng; Công nghệ chế tạo bê tông in 3D; Công nghệ chế tạo tấm tường nhẹ (tấm tường bê tông bọt; tấm tường lỗ rỗng) có sử dụng tro xỉ với hàm lượng cao; Xây dựng Tiêu chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật hướng dẫn sử dụng xỉ thép làm đường giao thông, vật liệu san lấp, cốt liệu cho bê tông; Tiêu chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật hướng dẫn sử dụng thạch cao nhân tạo làm tấm thạch cao và vật liệu san lấp, lớp móng cho đường giao thông.

Tham gia buổi trao đổi, các cá nhân và doanh nghiệp tham dự đánh giá cao ý nghĩa và kết quả đạt được của các nghiên cứu về ứng dụng vật liệu tái chế vào việc phát triển môi trường bền vững. Kết thúc buổi trao đổi, PGS. TS. Lê Trung Thành gửi lời cảm ơn đến các đơn vị tham dự buổi trao đổi đã nhiệt tình thảo luận và đưa ra các vấn đề còn tồn tại để các Viện nghiên cứu và trường Đại học tiếp tục nghiên cứu ra các giải pháp vì một môi trường xanh. Ngoài ra, PGS. TS. Lê Trung Thành cũng mong muốn trong thời gian tới VIBM và Weimar sẽ tiếp tục duy trì sự hợp tác để các nghiên cứu viên của hai bên được trao đổi và học tập lẫn nhau góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành vật liệu xây dựng ở hai nước.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc giữa VIBM và WEIMAR:







Hà Trang

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả