Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VIBM và ThyssenKrupp

Ngày 12/05/2022 10:11
Chiều ngày 11/5/2022 tại Hà Nội, Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) và Công ty TNHH ThyssenKrupp (Việt Nam) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong thực tiễn sản xuất xi măng dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Xây dựng và các cơ quan trực thuộc.

Chưa có ảnh

PGS.TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng VIBM và Tổng Giám đốc Công ty TNHH ThyssenKrupp Lukas Schoeneck
​ký biên bản ghi nhớ hợp tác

Tham dự buổi lễ, về phía Bộ Xây dựng có: Ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng; ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ KHCN&MT; bà Phạm Thị Hồng My – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng. Về phía VIBM có: PSG.TS. Lê Trung Thành – Viện trưởng; TS. Lưu Thị Hồng – Phó Viện trưởng; đại diện Trưởng các đơn vị trực thuộc VIBM. Về phía công ty ThyssenKrupp (Việt Nam) có: ông Lukas Schoeneck - Tổng Giám đốc; đại diện các phòng /ban của ThyssenKrupp tại Việt Nam.

VIBM là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, là đơn vị đi đầu trong các lĩnh vực hoạt động: Nghiên cứu chiến lược phát triển vật liệu xây dựng (VLXD); nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ; xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn; thí nghiệm, kiểm định VLXD; chứng nhận chất lượng sản phẩm VLXD; tư vấn và dịch vụ kỹ thuật xây dựng; đào tạo,… Đặc biệt, xi măng là lĩnh vực thế mạnh của VIBM.

ThyssenKrupp là nhà cung cấp thiết bị, công nghệ, dịch vụ và giải pháp trong lĩnh vực sản xuất xi măng có trụ sở tại Cộng hòa Liên bang Đức. ThyssenKrupp có lịch sử phát triển hơn 160 năm và là một trong số ít nhà cung cấp có khả năng cung cấp dây chuyền xi măng toàn diện cho ngành công nghiệp xi măng. Trên thế giới, ThyssenKrupp đã cung cấp gần 1.000 lò nung và hơn 10.000 thiết bị cho ngành xi măng. ThyssenKrupp là nhà tiên phong trong phát kiến sản xuất xi măng bền vững đã được ứng dụng tại nhiều nước trên thế giới.

Tại Lễ ký kết, PGS.TS. Lê Trung Thành chia sẻ: Lãnh đạo Bộ Xây dựng và các cơ quan trực thuộc Bộ Xây dựng từ lâu đã rất quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững cho lĩnh vực xi măng, trong đó việc sử dụng năng lượng và xử lý chất thải trong quá trình sản xuất xi măng đặc biệt được quan tâm. Bộ Xây dựng đã chỉ đạo sát sao và liên tục thúc đẩy hợp tác giữa hai bên với mục tiêu tìm ra giải pháp xử lý tốt nhất cho lĩnh vực xi măng phát triển bền vững.

Ông Lukas Schoeneck - Tổng giám đốc ThyssenKrupp tại Việt Nam cho biết: ThyssenKrupp đã phát triển các công nghệ đốt rác thải trong sản xuất xi măng, thu hồi nhiệt khí thải trong sản xuất xi măng, sử dụng sét hoạt tính trong sản xuất xi măng. Việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa hai bên là bước khởi đầu hợp tác, ngay sau khi ký kết sẽ tìm hiểu và nghiên cứu lựa chọn một số dự án trọng điểm để triển khai thực hiện.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ ký kết, ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ VLXD, Bộ Xây dựng cho biết: ngành công nghiệp xi măng Việt Nam phát triển đứng thứ 5 thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga. Chỉ trong 10 năm, lĩnh vực xi măng tăng trưởng hơn gấp 2 lần, từ sản lượng 45 triệu tấn năm 2010 đã tăng lên hơn 100 triệu tấn năm 2021, đưa Việt Nam từ nước phải nhập khẩu xi măng trở thành nước xuất khẩu xi măng trên thế giới. Tính đến hết năm 2021, Việt Nam có 86 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế 106 triệu tấn/năm, trong đó có 40 dây chuyền công suất hơn 1 triệu tấn xi măng/năm. Ông Phạm Văn Bắc tin tưởng vào sự hợp tác giữa VIBM và ThyssenKrupp trên cơ sở nền tảng kinh nghiệm nghiên cứu, triển khai thực tiễn của hai bên.  Ông hy vọng với sự hợp tác này, ngành công nghiệp xi măng của Việt Nam sẽ thực hiện tốt Chiến lược phát triển xi măng thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 là: phát triển ngành công nghiệp xi măng là tiết kiệm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh sử dụng tối đa các chất thải, phế thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và chất thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia cho quá trình sản xuất xi măng.

Hai bên đã thống nhất ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với các nội dung cụ thể như sau: Hợp tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nhiên liệu thay thế để tận dụng rác thải và chất thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt thay thế nhiên liệu hóa thạch (như than đá) trong sản xuất xi măng.  Hợp tác nghiên cứu và triển khai công nghệ hệ thống thu hồi nhiệt khí thải trong sản xuất clinker;  Hợp tác nghiên cứu và ứng dụng giải pháp công nghệ tiên tiến để tăng cường hiệu suất nghiền; Hợp tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ giảm phát thải CO2 bằng phương pháp tăng tỉ lệ thay thế clinker (sét hoạt tính) trong sản xuất xi măng; Hợp tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ giảm phát thải trong quá trình sản xuất xi măng bằng phương pháp thu hồi carbon; Tư vấn trong công tác lập dự án đầu tư, thiết kế, giám sát thi công đối với các dự án đầu tư mới, cải tạo nâng cấp; Tư vấn, đánh giá hiệu quả các biện pháp xử lý khí thải, thực hiện các thủ tục theo quy định bảo vệ môi trường, kiểm kê khí thải nhà kính, thực hiện lập báo cáo quan trắc môi trường định kỳ; Tư vấn lựa chọn phụ gia, phụ gia công nghệ cho xi măng.

Một số hình ảnh tại Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VIBM và ThyssenKrupp:



PGS.TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng VIBM phát biểu tại Lễ ký kết hợp tác giữa VIBM và ThyssenKrupp


TS. Trịnh Minh Đạt - Trưởng phòng KHKT&HTQT đọc biên bản ghi nhớ tại Lễ ký kết


Ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng phát biểu tại buổi lễ.

Nam Nguyễn

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?



OK  Kết quả