VIBM: Thử nghiệm khả năng kháng nấm mốc của vật liệu xây dựng (Resistance to Growth of Mold on building materials)

Ngày 09/12/2020 11:23
Nấm mốc có mặt ở hầu hết mọi nơi bao gồm cả trong không khí và có nhiều loài khác nhau. Thuật ngữ “mốc đen” thường sử dụng để chỉ loại nấm mốc có tên khoa học là Stachybotrys chartarum còn gọi là black mold hay toxic black mold. Bên cạnh Stachybotrys chartarum còn có nhiều loài nấm mốc phổ biến khác như Alternaria, Aureobasidium, Chaetomium, v.v...

Chưa có ảnh

Thử nghiệm khả năng kháng nấm mốc của tấm thạch cao tại VIBM

Các chấm đen đặc trưng xuất hiện trên tường, vật liệu cho thấy nấm mốc đã cắm rễ tại chỗ và việc loại bỏ chúng sẽ khó khăn hơn nhiều. Nấm sinh sản qua các bào tử của chúng và phát triển mạnh trên những bề mặt ẩm, giàu cellulose, chẳng hạn như ván sợi, gỗ, vách và tấm ốp trần, vách bằng thạch cao. Nấm mốc cũng có thể xuất hiện ở những nơi có rò rỉ và thấm dột.


Nấm mốc xuất hiện trong nhà là dấu hiệu cho một môi trường ẩm thấp, không trong lành, và có thể gây nguy hại đến công trình xây dựng và đặc biệt là sức khoẻ con người trong môi trường đó. Nấm mốc đen có độc, nó tiết ra một chất được gọi là mycotoxin - cực kỳ có hại cho sức khỏe của mọi người sống trong tòa nhà. Tất nhiên, một số người nhạy cảm với bào tử nấm hơn những người khác và có thể xuất hiện các triệu chứng hô hấp ngay sau khí hít phải một lượng nhỏ bào tử. Nhưng một môi trường với nồng độ mycotoxin cao có thể gây ngộ độc nấm ở cả những người khỏe mạnh, tùy thuộc vào nồng độ mycotoxin, thời gian tiếp xúc và các yếu tố khác.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc tiếp xúc với nấm mốc càng có hại hơn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em tiếp xúc với nấm mốc có nguy cơ bị hen suyễn cao hơn. Năm 2009, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát hành tài liệu “Hướng dẫn của WHO về chất lượng không khí trong nhà: Độ ẩm và Nấm mốc”, tổng hợp đánh giá toàn diện của các nghiên cứu khoa học về các vấn đề sức khỏe liên quan đến độ ẩm trong nhà và các tác nhân sinh học. Báo cáo kết luận ảnh hưởng đáng chú ý nhất của nấm mốc là sự gia tăng các triệu chứng hô hấp, dị ứng, hen suyễn và rối loạn hệ thống miễn dịch. Tài liệu cũng tóm tắt các thông tin hiện có về nguyên nhân gây ra nấm mốc cũng như các biện pháp hữu ích để kiểm soát sự phát triển của nó. Cách quan trọng nhất để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe là ngăn chặn (hoặc giảm thiểu tối đa) ẩm ướt kéo dài và sự phát triển của các vi khuẩn trên các bề mặt bên trong và các kết cấu của tòa nhà.


Gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm được nhà sản xuất công bố là có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm mốc,… Ngoài tác dụng thông thường, do có thêm tính năng “kháng khuẩn”, diệt các loại nấm mốc, thậm chí là vi-rút… nên sản phẩm khá thu hút người tiêu dùng. Thử nghiệm đánh giá khả năng kháng nấm mốc của vật liệu xây dựng (VLXD) thông qua các phương pháp tiêu chuẩn như ISO 16869:2008; ASTM E1054-02; ASTM E3152 – 18; ASTM D3273-16; ASTM G21– 15; JIS Z 2911-2000,…

Nguyên tắc thử nghiệm của phương pháp như sau: Ba loại bào tử nấm được phân lập bao gồm (Aureobasidium pullulans ATCC# 9348, Aspergillus niger ATCC# 6275 và Penicillium Sp. ATCC# 9849) trong 10 đến 14 ngày. Khi đạt độ phát triển các bào tử nấm này được cấy sang môi trường đất chứa 25% rêu bùn, độ pH 5,5-7,0. Các mẫu thử nghiệm sẽ tiếp xúc với hỗn hợp các bào tử nấm này trong điều kiện nhiệt độ 32,5±1oC và độ ẩm 95±3% trong thời gian 28 ngày. Kết thúc thời gian thử nghiệm mẫu thử sẽ được đánh giá cấp độ phát triển nấm mốc thành 10 cấp được phân loại theo tỷ lệ phần trăm diện tích mẫu bị tác động, trong đó cấp 10 là bề mặt không bị tác động còn cấp 0 là bề mặt mẫu bị tác động hoàn toàn.











Trung tâm Thiết bị Môi trường & An toàn Lao động - VIBM là một trong những đơn vị nghiên cứu đi đầu trong đánh giá thử nghiệm khả năng kháng khuẩn và nấm mốc của VLXD tại Việt Nam. Hiện nay trung tâm đang thực hiện phân tích, đánh giá, thử nghiệm khả năng kháng khuẩn, kháng nấm mốc của các loại VLXD theo các hệ tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế như: TCVN 9064:2012; TCVN 8555:2010; TCVN 11108:2015; ISO 22196:2011; ISO 27447:2009; ISO 17094:2014; ISO 16869:2008; ASTM E 1054-02; ASTM G22-76; ASTM E3152-18; ASTM D3273-16; ASTM G21-15; JIS Z 2801:2000; JIS Z 2911-2000,...


Chi tiết liên hệ:

Trung tâm Thiết bị, Môi trường & An toàn lao động – VIBM
Địa chỉ: Số 235 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 024 3.558.5928; 0915.502.834; 0912.181.479; Fax: 024 3.858.1112
Email: tbmt.atld@gmail.com
Website: http://vibm.vn

Cao Chiến

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả