Sử dụng cát biển - Giải pháp tăng cường sử dụng nguồn cát xây dựng thay thế tại Việt Nam

Ngày 30/09/2020 09:31
Sự phát triển xây dựng ở nước ta trong những năm qua, kéo theo nhu cầu về cát xây dựng ngày càng tăng. Theo ước tính của Viện Vật liệu xây dựng (VIBM), lượng cát xây dựng tiêu thụ nước ta liên tục tăng trong những năm gần đây, ước tính tiêu thụ 130 triệu m3 cát xây dựng mỗi năm (năm 2018) chủ yếu cho chế tạo bê tông, vữa xây dựng.

Chưa có ảnh

Theo Chiến lược phát triển ngành vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến 2050 đã được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt trong Quyết định số1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 thì nhu cầu cát xây dựng (chỉ tính riêng cho bê tông và vữa) ở nước ta đến năm 2025 khoảng 170-190 triệu m3/năm, đến năm 2030 khoảng 200-220 triệu m3/năm.

Chính vì vậy, công tác tìm kiếm và đưa vào sử dụng cát loại cát thay thế cho cát sông là việc cần thiết. Vấn đề này đã được Chính phủ quan tâm và đưa định hướng phát triển mở rộng các nguồn cát thay thế vào chiến lược phát triển VLXD trong thời gian tới. VIBM cũng đã thực hiện nhiều đề tài, dự án từ nhiều năm qua nhằm phát triển và đưa ra các loại cát thay thế cát sông cho xây dựng. Các hướng nghiên cứu vật liệu thay thế cát sông có thể kể đến: các nghiên cứu về cát nghiền (bắu đầu thực hiện từ năm 1999), đã xây dựng tiêu chuẩn về cát nghiền và hướng dẫn thiết kế thành phần bê tông sử dụng cát nghiền; nghiên cứu sử dụng cát mịn, cát chất lượng thấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho sản xuất bê tông, vữa; nghiên cứu sử dụng các loại phế thải làm cốt liệu cho bê tông như cốt liệu chế biến từ phế thải xây dựng, cốt liệu từ xỉ thép, cốt liệu từ tro bay. Gần đây, VIBM đã thực hiện các nghiên cứu sử dụng cát biển, cát nhiễm mặn cho chế tạo bê tông phục vụ cho công trình xây dựng tại vùng duyên hải cũng như khu vực hải đảo.

Sử dụng cát biển làm cát xây dựng làm một vấn đề mới tại nước ta, tuy nhiên, cát biển đã được sử dụng ở nhiều nước và khu vực trên thế giới trong nhiều thập niên từ trước tới nay như tại Anh (cát biển chiếm khoảng 17%), Nhật Bản (khoảng 12%), Hàn Quốc (khoảng 28%), Hà Lan, Hồng Kông, Trung Quốc... Tuy vậy, cát biển, cát nhiễm mặn khi sử dụng cho bê tông, vữa phải được chế biến, chủ yếu là rửa để khử muối trước khi đưa vào sử dụng để đảm bảo không gây các hư hỏng, xuống cấp cho kết cấu bê tông sử dụng chúng khi trong cát còn lẫn lượng muối đáng kể, đặc biệt là gây vấn đề ăn mòn cốt thép trong bê tông. Hiện nay ở nước ta đã có một số cơ cở chế biến cát biển làm cát xây dựng, như Công ty công nghệ cát sạch Phan Thành với công nghệ chà xát tuyển rửa cát biển nhiễm mặn thành cát sạch. Qua kết quả phân tích, cát biển được chế biến, có hàm lượng ion clo, thành phần tạp chất đảm bảo mức qui định theo các tiêu chuẩn TCVN hiện hành, cũng như các tiêu chuẩn về cát cho bê tông trên thế giới.

Tuy nhiên, để ứng dụng cát biển cho bê tông trong thực tế tại nước ta, còn nhiều trở ngại mà vấn đề lớn nhất là vượt qua tâm lý e ngại sử dụng cát biển do chưa rõ về các vấn đề về công nhệ, khai thác chế biến cát biển, chất lượng của bê tông sử dụng cát biển khi sử dụng vào công trình, các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng cát biển.

Vừa qua, Đài truyền hình Việt Nam, chương trình Nút bấm trên VTV2 đã làm chương trình “Công nghệ chà xát tuyển rửa cát biển nhiễm mặn thành cát sạch” nhằm trao đổi một số vấn đề liên quan đề sử dụng cát biển cho xây dựng. Chương trình đã mời ông Lê Việt Hùng đại diện của VIBM cùng với đại diện của Công ty Phan Thành - doanh nghiệp chế biến cát sạch tham gia trao đổi về vấn đề chế biến và sử dụng cát biển cho xây dựng ở nước ta. Xin trân trọng giới thiệu đến quí vị nội dung cuộc trao đổi này tại đây: https://vtv.vn/video/nut-bam-2020-so-29-462409.htm

Phòng KHKT&HTQT

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả