Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050

Ngày 24/08/2020 05:48
Ngày 18/8/2020, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định số 1266/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. Chiến lược được phê duyệt có ý nghĩa quan trọng, dẫn dắt định hình các hoạt động phát triển VLXD phù hợp với quy luật cung – cầu của kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy phát triển kinh tế xã hội và hài hòa bảo vệ môi trường làm chủ đạo trong thời gian 10 năm tới và định hướng đến năm 2050.

Chưa có ảnh

Nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 đã được Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) cùng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng (Vụ VLXD) tập trung thực hiện trong năm 2019, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Xây dựng. Trong đó, nhóm nghiên cứu đã rà soát, tổng kết thực trạng, đánh giá các kết quả đạt được và tồn tại của các quy hoạch chuyên ngành tương ứng. Trong quá trình xây dựng Chiến lược, VIBM và Vụ VLXD đã tổng hợp số liệu thu thập từ nhiều nguồn bao gồm: Các báo cáo về tình hình phát triển VLXD và thực hiện Quy hoạch 1469 của các địa phương; Kết quả trực tiếp khảo sát, điều tra tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh VLXD trên phạm vi toàn quốc; Ngân hàng dữ liệu thu thập từ các nghiên cứu phát triển VLXD trong nhiều năm của các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng; Số liệu trích lục từ các Niên giám thống kê.    

Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích, đánh giá một số tài liệu, chính sách liên quan về quản lý phát triển VLXD tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Philipin, Indonesia, Úc, châu Âu và Mỹ, từ đó tổng kết kinh nghiệm và rút ra những bài học tham khảo cho Việt Nam.

Trên cơ sở những thông tin, số liệu tổng hợp, dữ liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu đã phân tích, đánh giá khách quan tập trung vào 12 chủng loại VLXD bao gồm xi măng, gạch gốm ốp lát, đá ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vôi, gạch đất sét nung, vật liệu xây không nung, vật liệu lợp, cát xây dựng, đá xây dựng và bê tông, với một số nội dung chủ yếu như sau:

- Đánh giá thực trạng phát triển VLXD nước ta bao gồm công suất thiết kế và sản lượng, công nghệ sản xuất, nguyên nhiên liệu và năng lượng, bảo vệ môi trường, có đối chiếu với các quy hoạch 1488, quy hoạch1469 và tổng kết các vấn đề phát sinh mới trong quá trình phát triển.

- Đánh giá tiềm năng và nguồn lực để phát triển công nghiệp VLXD bao gồm các yếu tố kinh tế xã hội, nguồn lực tài nguyên khoáng sản, nguồn lực lao động xã hội.

- Đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ VLXD trên thế giới, kinh nghiệm quản lý phát triển VLXD của một số nước, tác động của VLXD thế giới và khu vực đến sự phát triển VLXD Việt Nam.

- Tính toán, dự báo nhu cầu, thị trường VLXD Việt Nam đến năm 2030.

Sau khi nghiên cứu các nội dung trên và tham khảo, kế thừa một số nội dung phù hợp tại các Quy hoạch, chương trình, đề án phát triển các chủng loại VLXD đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đã được ban hành trong thời kỳ từ năm 2008 trở lại đây, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành, Bộ Xây dựng đã dự thảo Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 với những quan điểm, mục tiêu, giải pháp và tổ chức thực hiện.

Dự thảo Chiến lược đã được lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, cùng các hiệp hội chuyên ngành về VLXD. Ngày 18/6/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ đã trực tiếp làm việc với các Bộ, ngành và một số Hiệp hội chuyên ngành VLXD tại Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) để rà soát nội dung dự thảo Chiến lược phát triển VLXD thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác của Chính phủ
làm việc về Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050
​tại Viện Vật liệu xây dựng.

Tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg, Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu tổng quát là Phát triển ngành công nghiệp VLXD đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của trị trường trong nước; Loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất VLXD lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; Xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Chiến lược đưa ra 7 giải pháp để thực hiện: 1/ Hoàn thiện thể chế, chính sách; 2/ Khai tác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm; 3/ Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; 4/ Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước và xuất khẩu; 5/ Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; 6/ Nâng cao năng lực chế tạo thiết bị; 7/ Bảo vệ môi trường trong sản xuất.

Trong Chiến lược cũng nêu rõ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần Xây dựng kế hoạch, phương án, đề án, chiến lược phát triển VLXD trên địa bàn phù hợp với kế khoạc của trung ương và Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 được phê duyệt sẽ tạo điều kiện cho công tác cải cách thủ tục hành chính ngày càng diễn ra nhanh và hiệu quả hơn để đáp ứng với nhu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập sâu rộng cùng xu thế phát triển VLXD của thế giới.

>> Nội dung Chiến lược phát triển VLXD.

Hà Lân - VIBM

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?



OK  Kết quả