Tái chế Polyurethane phế thải làm nguyên liệu để chế tạo vật liệu cách nhiệt

Ngày 27/07/2020 05:38
Nhằm hướng tới mục tiêu thu gom và xử lý triệt để vật liệu xốp Polyurethane phế thải bằng phương pháp tái chế, vừa góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, vừa tạo ra nguyên liệu để chế tạo vật liệu cách nhiệt đi từ xốp PU tại Việt Nam trên cơ sở hợp tác với đối tác nước ngoài.

Chưa có ảnh

Đoàn công tác của Bộ KHCN làm việc với Viện Vật liệu xây dựng
(đơn vị chủ trì Nhiệm vụ Nghị định thư)

Ngày 26/06/2020, Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia chủ trì phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ đánh giá nội dung và tiến độ triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư “Nghiên cứu tái chế Polyurethane phế thải làm nguyên liệu để chế tạo vật liệu cách nhiệt” do Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng thực hiện.

Đoàn kiểm tra do Ông Nguyễn Phú Bình, Phó Giám đốc Văn phòng Chương trình quốc gia làm trưởng đoàn, Bà Tô Mai Trinh (Vụ Hợp tác quốc tế) và một số thành viên khác là thành viên. Đoàn kiểm tra đã được nghe phát biểu của TS. Mai Ngọc Tâm, Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (đơn vị chủ trì nhiệm vụ) đồng thời là chủ nhiệm nhiệm vụ phát biểu ý kiến và báo cáo các nội dung, tiến độ triển khai nhiệm vụ.

Đến nay, Nhóm nghiên cứu bước đầu đã hoàn thành nghiên cứu một số nội dung chính như: Nghiên cứu tổng quan, đánh giá thực trạng về PU phế thải tại Việt Nam; Nghiên cứu quá trình tách loại tạp chất của PU phế thải để làm nguyên liệu cho phản ứng glycol phân chế tạo polyol; Nghiên cứu quá trình hóa lỏng xốp PU phế thải bằng phản ứng glycol phân tại Việt Nam; Nghiên cứu tổng quan công nghệ tái chế xốp PU phế thải làm xốp cách nhiệt đang được ứng dụng tại Hàn Quốc. Đồng thời nhóm đang triển khai nghiên cứu quá trình tách loại tạp chất, làm sạch polyol của hỗn hợp sau phản ứng glycol phân; Nghiên cứu các giải pháp xử lý các tạp chất còn lại của quá trình tái chế xốp PU phế thải để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ tinh chế polyol tái sinh từ xốp PU phế thải; Nghiên cứu các tính chất của polyol tái sinh. Và đã tổ chức thành công 01 đoàn ra sang khoa Công nghệ hóa học – Đại học Chonbuk – Hàn Quốc nghiên cứu tổng quan công nghệ tái chế xốp PU phế thải làm xốp cách nhiệt đang được ứng dụng tại Hàn Quốc và nghiên cứu phân tích chỉ tiêu chất lượng sản phẩm polyol và xốp PU tái sinh. Nhóm nghiên cứu cũng tổ chức thành công nhiều đoàn vào khảo sát tại các điểm tập kết rác thải, đơn vị thu gom và xử lý rác thải & xốp PU, các sở Tài nguyên Môi trường tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ, Công ty Trưởng Thành – TP.HCM, Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng,..

Đoàn ghi nhận các kết quả và nội dung nghiên cứu khoa học mà nhóm nghiên cứu đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực nhóm nghiên cứu, cũng như sự hỗ trợ tích cực từ Tổ chức chủ trì cả về nhân lực lẫn vật lực dành cho nhóm nghiên cứu.

Với những kết quả đã đạt được trong giai đoạn đầu triển khai nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu cùng với Tổ chức chủ trì kỳ vọng trong thời gian tới sẽ nghiên cứu và đề xuất giải pháp tách loại tạp chất, làm sạch polyol của hỗn hợp sau phản ứng glycol phân; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị phản ứng sản xuất polyol từ xốp PU phế thải công suất 5 kg/mẻ (nâng công suất) và chạy thử nghiệm; Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất polyol tái sinh từ xốp PU phế thải; Nghiên cứu lựa chọn các thành phần isocyanate và các phụ gia khác kết hợp với polyol tái sinh để tổng hợp xốp PU; Nghiên cứu các tính chất của xốp PU tái sinh; Nghiên cứu lựa chọn các tác nhân hóa học để biến tính polyol điều chế từ xốp PU phế thải bằng nguồn dầu thực vật của Việt Nam. Kế hoạch này được hoàn thành sẽ là một trong những kết quả quan trọng của Nhiệm vụ Nghị định thư, cùng với việc hướng dẫn thạc sỹ chuyên ngành và các bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế.

Theo nguồn vpctqg.gov.vn

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả