Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà & Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh thăm & làm việc về Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 tại Viện Vật liệu xây dựng

Ngày 19/06/2020 11:48
Ngày 18/6/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm và làm việc tại Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) về Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Chưa có ảnh

Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục cùng đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Giao thông vận tải và lãnh đạo các Hội, Hiệp hội về VLXD.

Mở đầu buổi làm việc, PGS.TS. Lê Trung Thành – Viện trưởng VIBM đã báo cáo nhanh với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về lịch sử phát triển, chức năng – nhiệm vụ, tiềm lực cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của VIBM. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, VIBM luôn được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo Bộ Xây dựng tin tưởng, giao chủ trì thực hiện nhiều công việc quan trọng bao gồm: Nghiên cứu xây dựng các quy hoạch phát triển các sản phẩm VLXD, nay là Chiến lược phát triển VLXD; các quy hoạch khoáng sản để làm VLXD; nghiên cứu, biên soạn nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về VLXD; chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD sản xuất trong nước cũng như sản phẩm, hàng hóa VLXD nhập khẩu; nghiên cứu KHCN để phát triển VLXD giải quyết các nhu cầu xây dựng trong nước, sử dụng chất thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, VIBM luôn chủ động, tích cực tham gia các công tác dịch vụ KHCN bao gồm: Công tác tư vấn lập dự án, thiết kế các công trình sản xuất VLXD, phát triển VLXD cho các địa phương; thí nghiệm, kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD và các dịch vụ chuyên môn với các đối tác doanh nghiệp trong và ngoài nước để nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức và người lao động, tích lũy đầu tư phát triển VIBM. Ngoài ra, Viện trưởng Lê Trung Thành cũng nêu những thuận lợi và thách thức mà VIBM gặp phải trong thời gian tới. Từ đó, Viện trưởng Lê Trung Thành đã đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng và phát triển ngành xây dựng nói chung và ngành VLXD nói riêng.

Buổi làm việc là diễn đàn để các Bộ, Ngành, Hội, Hiệp hội và các chuyên gia thảo luận những khó khăn, thách thức với ngành xây dựng nói chung và ngành VLXD nói riêng trong giai đoạn 2021-2050. Từ đó, cùng nhau đề ra những giải pháp để tháo gỡ những khúc mắc còn tồn tại và trực tiếp nêu quan điểm với Chính phủ trong việc phát triển ngành xây dựng.

Định hướng sản xuất vật liệu mới, thân thiện môi trường

Theo TS. Trần Bá Việt - Phó Chủ tịch Hội bê tông Việt Nam, Việt Nam đang xếp thứ 5 trên thế giới về sản xuất xi măng và xuất khẩu hàng triệu tấn clanhke và xi măng mỗi năm nhưng giá trị xuất khẩu không cao. TS. Trần Bá Việt kiến nghị cần nghiên cứu phát triển công nghệ bê tông sử dụng các cấu kiện bê tông đúc sẵn để phát triển hạ tầng và xây dựng dân dụng của Việt Nam, trong đó có chiến lược biển Việt Nam. Bên cạnh đó chúng ta có thể xuất khẩu cấu kiện bê tông đúc sẵn với giá trị kinh tế cao hơn và hạn chế tối đa việc xuất khẩu clanhke, xi măng trong thời gian tới.

Cùng quan điểm với TS. Trần Bá Việt, ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội VLXD cho biết, Việt Nam hiện xuất khẩu nhiều loại VLXD với giá rẻ, nhưng chưa tận dụng được hết các nguồn phế thải của các ngành sản xuất khác làm VLXD. Nếu các ngành công nghiệp sử dụng than làm nhiên liệu đốt (nhiệt điện, sản xuất hoá chất…) có thể cải tiến công nghệ đốt để giảm tỷ lệ than tồn dư trong tro xỉ thì việc sử dụng tro xỉ để sản xuất VLXD sẽ có hiệu quả hơn.

TS. Thái Duy Sâm – Phó chủ tịch Hội VLXD cho rằng chiến lược đã nêu định hướng ưu tiên đầu tư các dự án VLXD mới, tuy nhiên đầu tư các Dự án VLXD mới này cần phải có lợi thế cạnh tranh. Việc xuất khẩu VLXD cũng cần xem xét đánh giá tránh làm thất thoát, cạn kiệt nguồn tài nguyên của quốc gia. Do vậy, việc quản lý Nhà nước đối với việc phát triển VLXD cũng phải căn cứ vào các chỉ tiêu về chất lượng, tiêu chuẩn, môi trường.

PGS. TS Lương Đức Long - Nguyên Viện trưởng VIBM cũng cho biết, trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi cách thức quản lý ngành VLXD cần đổi mới. Nhà nước quản lý trên cơ sở pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy hoạch, kế hoạch.... Do đó, trong chiến lược phát triển VLXD cần lưu ý tới các vấn đề như: Môi trường, chi phí tiêu hao nguyên liệu tự nhiên và năng lượng, mức độ tiên tiến của công nghệ và tái sử dụng các chất thải.

Nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu VLXD Việt Nam

Để thực hiện được các mục tiêu trên, trước hết phải xây dựng một chiến lược VLXD trong thời kỳ mới (đến 2030 tầm nhìn 2050). Phó Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu trong chiến lược phát triển ngành VLXD phải gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại; tiết kiệm tài nguyên, tận thu phế thải tái chế thành VLXD; giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Theo đó, phải gắn phát triển VLXD với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, nông nghiệp và xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm VLXD mới có giá trị kinh tế cao, ít tiêu thụ năng lượng; nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của VLXD Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nhận thấy tầm quan trọng và những đóng góp to lớn của ngành VLXD trong việc phát triển đất nước, Phó Thủ tướng chỉ đạo trong thời gian tới, khi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và dịch vụ hóa tiếp diễn mạnh mẽ, thì việc phát triển VLXD cần phải đáp ứng toàn diện các nhu cầu trong nước sao cho phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống và văn hóa của người dân, từ đó cũng góp phần tham gia vào sự phát triển đất nước. Ngoài ra, cần phát triển đa dạng các chủng loại VLXD, đặc biệt là phát triển các loại VLXD mới, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, cũng cần chú trọng công tác nghiên cứu phát triển VLXD một cách sâu, rộng, gắn với thực tiễn sản xuất, tập trung vào công tác xử lý chất thải của ngành sản xuất VLXD đáp ứng các yêu cầu môi trường. Phó Thủ tướng nhấn mạnh để thực hiện được các biện pháp trên, trước hết cần xây dựng một chiến lược quy hoạch và phát triển toàn diện đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ mới; đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể, nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ, Ngành, địa phương cùng chung tay phát triển ngành VLXD.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao việc Bộ Xây dựng đã tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển VLXD đến 2030, tầm nhìn 2050, cũng như sự nỗ lực của các cán bộ viên chức của VIBM vào sự phát triển chung của ngành xây dựng. VIBM đã thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Phó Thủ tướng chúc mừng những kết quả đạt được của VIBM và mong rằng VIBM sẽ tiếp tục phát huy và có những đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành xây dựng. Đồng thời, Phó thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, Ngành cần tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho VIBM để phục vụ tốt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực VLXD. Phó Thủ tướng cũng ghi nhận những đóng góp quan điểm và giải pháp của các Bộ, Ngành, Hội và Hiệp hội để cùng nhau phát triển ngành VLXD.  Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa, bổ sung và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành chiến lược để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã cho biết một số quan điểm chính về Chiến lược phát triển VLXD thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050, đặc biệt trong công tác xây dựng chiến lược và quy hoạch khoáng sản địa phương. Các lĩnh vực sản xuất VLXD đều có sự chuyển biến một cách tích cực. Công suất thiết kế và sản lượng một số sản phẩm VLXD đã tăng gấp 2-3 lần so với 10-15 năm trước. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới. Nhiều chủng loại VLXD của Việt Nam có số lượng xếp trong nhóm đầu của thế giới như: xi măng, gốm sứ, kính xây dựng… Đồng thời, Bộ trưởng cảm ơn và tiếp thu những ý kiến góp ý của các Bộ, Ngành, Hội, Hiệp hội và các chuyên gia và đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính Phủ để làm căn cứ chỉ đạo trong việc xây dựng chiến lược phát triển VLXD.

Cũng trong buổi làm việc Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác Chính phủ đã đi thăm Phòng truyền thống và Phòng thí nghiệm Trung tâm, Phòng thí nghiệm Xi măng – Bê tông của VIBM. Tại đây, Phó Thủ tướng đã gặp gỡ, thăm hỏi động viên tinh thần của các cán bộ, nhân viên của VIBM và nhắc nhở VIBM cần tiếp tục nỗ lực phát triển để trở thành cơ sở nghiên cứu và thí nghiệm hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực VLXD.

Một số hình ảnh tại buổi thăm và làm việc của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ tại VIBM:













Phòng KHKT&HTQT

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhiều nhất trên website?
OK  Kết quả